Thứ bảy, 23/11/2024 21:31 (GMT+7)
Thứ ba, 13/09/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 13/9

Theo dõi KTMT trên

Chất lượng không khí nhiều điểm tại Hà Nội ở mức đáng báo động; Quảng Nam: Lại “nóng” nạn vàng tặc trong rừng phòng hộ Phước Sơn; Sau đợt mưa lớn, bèo tây “bủa vây” bờ sông, bãi biển ở Lộc Hà... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 13/9.

Chất lượng không khí nhiều điểm tại Hà Nội ở mức đáng báo động

Sáng nay (13/9), các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội cho thấy, nhiều điểm ở mức đỏ (có hại), thậm chí có điểm ở mức nâu (nguy hiểm - tất cả mọi người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe).

Cụ thể, một số điểm ở Hà Nội chất lượng không khí xấu như: điểm 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) không khí ô nhiễm ở mức đỏ - những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Điểm Chi cục Bảo vệ môi trường (quận Đống Đa) ở mức cam.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 13/9 - Ảnh 1
Chất lượng không khí nhiều điểm tại Hà Nội ở mức đáng báo động.

Trên ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ), một số điểm quan trắc ở Hà Nội xuất hiện ô nhiễm ở mức đỏ. Đặc biệt, điểm quan trắc tại khu vực Hồ Linh Đàm và một số điểm tại quận Hoàng Mai ở mức tím - rất có hại cho sức khỏe.

TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lý giải rằng: Ô nhiễm không khí là quá trình nhiều tác nhân hóa học, vật lý hoặc sinh học làm thay đổi các đặc tính tự nhiên của không khí mà con người đang hít thở ở trong nhà hoặc ngoài trời.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) cao. Ngoài những nguyên nhân do mật độ xe máy nhiều, các công trình xây dựng tăng lên thì điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi cũng là tác nhân lớn.

Quảng Nam: Lại “nóng” nạn vàng tặc trong rừng phòng hộ Phước Sơn

Thời gian qua, tình trạng đào đãi vàng trái phép ở rừng phòng hộ Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục diễn biến phức tạp. BQL Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn vừa phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, truy quét và đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép tại bãi 8, thôn 3 và bãi 699 thuộc xã Phước Thành.

Tại bãi số 8, thôn 3 và bãi 699 thuộc xã Phước Thành, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 3 lán trại bạt, 200 m ống dây nước, 200 m dây điện, 1 đường hầm dạng giếng sâu hơn 10m và một số dụng cụ phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép, song không phát hiện đối tượng làm vàng trái phép. Tổ công tác tiến hành lập biên bản, phá hủy toàn bộ các lán trại, dụng cụ phục vụ việc khai thác vàng trái phép.

Tại bãi 699, xã Phước Thành, đoàn kiểm tra ghi nhận khu vực hiện trạng là đất trống, có một số đường hầm cũ của công ty khai thác trước đây bỏ lại; một số người dân địa phương vào đào bới để tìm khoáng sản vàng. Do đó, tổ công tác đã tuyên truyền, vận động người dân ra khỏi khu vực, đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá.

Việc truy quét của lực lượng chức năng huyện Phước Sơn được thực hiện sau khi có một số bài báo phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây.

Theo BQL Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn, do địa bàn quản lý rộng, diện tích rừng lớn, địa hình hiểm trở nên khó có thể kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, việc đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Sau các đợt truy quét, các đối tượng lại lén lút vào khai thác.

“Ban có gần 100 người phụ trách rừng với hơn 62.000 ha thuộc 12 xã và thị trấn. Bình quân một xã khoảng 7 người nên không đủ lực lượng để thường xuyên ở tại các bãi vàng trái phép. Mỗi lần truy quét, đẩy đuổi xong thì mấy ngày sau những người khai thác vàng quay lại làm.”- ông A Lăng Ngọc- Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn cho biết,

Vì vậy, bên cạnh công tác tuần tra, truy quét, BQL Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn đề nghị UBND huyện quan tâm, chỉ đạo chính quyền xã tăng cường quản lý địa bàn và xem xét xử phạt nghiêm một số trường hợp vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung.

Cần Thơ: Chủ động các biện pháp ứng phó với triều cường

Triều cường sẽ tiếp tục lên cao vào ngày 14/9 và 15/9 ở mức trên 1,9m sau đó bắt đầu xuống dần; các khu vực trũng thấp, ven sông rạch, đường giao thông có cốt nền thấp sẽ bị ngập sâu.

Do ảnh hưởng của đợt triều cường rằm tháng 8 Âm lịch, sáng 13/9, nhiều tuyến đường ở TP.Cần Thơ bị ngập nặng do nước sông dâng cao.

Cụ thể, mực nước tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu lúc 7 giờ là 1,98m, chỉ thấp hơn mức báo động III 0,02m. Nhiều tuyến đường nội ô thành phố như Mậu Thân, Huỳnh Cương, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, khu vực hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi… bị ngập nước, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại, kinh doanh của người dân.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn TP.Cần Thơ, triều cường sẽ tiếp tục lên cao vào ngày 14/9 và 15/9 ở mức trên 1,9m sau đó bắt đầu xuống dần. Các khu vực trũng thấp, ven sông rạch, đường giao thông có cốt nền thấp sẽ bị ngập sâu.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 13/9 - Ảnh 2
Triều cường tiếp tục lên cao vào ngày 14/9 và 15/9 ở mức trên 1,9m sau đó bắt đầu xuống dần.

Khi triều lên, nếu thời tiết có mưa to, tình trạng ngập sẽ càng nghiêm trọng. Trong tháng 10 và tháng 11, triều cường sẽ tiếp tục xuất hiện vào những ngày đầu và giữa tháng với mực nước cao hơn báo động III từ 0,1-0,2m.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, đợt triều cường rằm tháng Chín Âm lịch có thể gây ngập nặng vì xuất hiện cùng thời điểm đỉnh lũ sông Mekong từ thượng nguồn đổ về.

Để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng do triều cường, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ yêu cầu thành viên của Ban, các cấp, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tổ chức theo dõi diễn biến mưa, lũ, triều cường để thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng, tránh.

Sau đợt mưa lớn, bèo tây “bủa vây” bờ sông, bãi biển ở Lộc Hà

Sau đợt mưa lớn vừa qua, các khúc sông, bãi bồi, rừng ngập mặn, bờ biển, kênh rạch... ở Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) ngập tràn bèo tây trôi dạt, tích tụ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan.

Sau đợt mưa lớn cách đây mấy ngày, một lượng lớn bèo tây tại các ao hồ, cánh đồng, vùng thấp trũng ở khu vực thượng nguồn đã trôi theo nước lũ về sông Én, sông Nghèn và chảy ra biển Lộc Hà. Từ cống Cầu Trù (xã Phù Lưu) dọc theo bờ đê tả Nghèn xuôi về Cửa Sót (xã Thạch Kim) đang đầy rẫy bèo tây trôi nổi khắp mặt sông. (Ảnh chụp ở bờ sông xã Hộ Độ).

Bãi tập kết ngao sau khi khai thác của thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ) đang bị bèo tây “bủa vây” dày đặc, bắt đầu có những thứ phân hủy gây hôi thối, bẩn thỉu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và môi trường nuôi trồng thủy sản của bà con.

Gần 3 km bờ biển từ Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim) đến cầu Đại Đồng (giáp ranh giữa xã Thịnh Lộc của huyện Lộc Hà với xã Cương Gián của huyện Nghi Xuân) là những dải bèo tây kéo dài, bị sóng biển tấp vào phân thành từng mảng lớp, vương vãi khắp bãi biển. (Ảnh chụp ở bãi biển Thạch Kim).

Tình trạng bèo tây, rác thải sinh hoạt và các loại thực vật khác trôi dạt khắp bờ sông, kè biển, vùng trũng, bãi bồi, kênh mương... sau mưa lớn đang gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của bà con.

Pháp ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 9

Ngày 12/9, Cơ quan Khí tượng Pháp (Meteo-France) cho biết nước này đã ghi nhận các mốc nhiệt cao kỷ lục trong tháng 9, đặc biệt ở khu vực Tây Nam, do đợt nắng nóng mạnh từ Maroc tràn sang.

Mức nhiệt đo được tại Mont-de-Marsan ở vùng Landes, khu vực Tây Nam, lên tới 39,1 độ C, trong khi thị trấn Dax lân cận có nhiệt độ 39 độ C. Thành phố Bordeaux cũng hứng chịu nắng nóng 37,5 độ C - vượt mức cao kỷ lục 37 độ C hồi tháng 9/1987. Thành phố Tarbes xa hơn về phía Nam của dãy núi Pyrenees ghi nhận mốc nhiệt 37,2 độ C, cao hơn nhiều so với mức 35,8 độ C hồi năm 1964.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 13/9 - Ảnh 3
Pháp ghi nhận các mốc nhiệt cao kỷ lục trong tháng 9, đặc biệt ở khu vực Tây Nam, do đợt nắng nóng mạnh từ Maroc tràn sang.

Thành phố Pau cũng trải qua ngày nắng nóng nhất với mức nhiệt đỉnh điểm 38,9 độ C, vượt xa mức 36,3 độ từng ghi nhận vào năm 1970. Thậm chí, xa hơn về khu vực phía Bắc khoảng 600km, thành phố Nantes lần đầu tiên hứng chịu nắng nóng lên tới 35,1 độ C trong tháng 9.

Meteo-France cho biết hiện tượng nắng nóng gay gắt là hệ quả của khối khí nóng tràn sang từ Maroc kết hợp với một vùng áp thấp sau xoáy thuận nhiệt đới Daniell đang hoạt động ngoài khơi Bồ Đào Nha.

Mặc dù vậy, các nhà dự báo cho biết tình trạng nắng nóng hiện nay sẽ không kéo dài. Nhiệt độ sẽ bắt đầu giảm từ giữa tuần, duy trì quanh ngưỡng 30 độ C trong ngày 13/9 trước khi trở lại các mốc nhiệt thông thường vào cuối tuần.

Cùng ngày, truyền thông Pháp đưa tin một đám cháy rừng đã bùng phát tại Saumos, ngoại ô phía Tây của thành phố Bordeaux. Giới chức địa phương đã sơ tán khoảng 200 cư dân nhằm đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa với sự hỗ trợ của 3 máy bay và 2 trực thăng đã nỗ lực suốt đêm để dập tắt đám cháy. Ước tính hỏa hoạn đã thiêu rụi trên diện tích 350 ha trong một khu vực từng bị lửa tàn phá hơn 30.000 ha những tháng gần đây.

Nước Pháp đã trải qua 3 đợt nắng nóng gay gắt từ tháng 6-8 năm nay, do tác động của rãnh áp thấp tại Đại Tây Dương mà giới khoa học cho rằng hiện tượng này có liên quan tình trạng biến đổi khí hậu.

Trung Quốc nâng mức cảnh báo với bão Muifa

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc ngày 13/9 nâng cảnh báo bão lên màu da cam, mức cảnh báo nghiêm trọng thứ 2 trong hệ thống cảnh báo 4 bậc, trong bối cảnh cơn bão thứ 12 trong năm nay là bão Muifa dự kiến sẽ đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang ngày 14/9.

Dự báo gió mạnh sẽ ập vào các khu vực ven biển của vùng lãnh thổ Đài Loan, Chiết Giang, Phúc Kiến, Thượng Hải và Giang Tô từ ngày 13/9 đến chiều 14/9.

Trong 3 ngày tới, mưa lớn sẽ trút xuống các khu vực của Đài Loan, Chiết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, Sơn Đông và Liêu Ninh, theo dự báo. Trung tâm khuyến cáo các khu vực kể trên khẩn cấp chuẩn bị phòng chống bão và yêu cầu người dân địa phương tránh đi lại trong thời gian có mưa và gió mạnh.

Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp độ mã hóa theo màu trong đó màu đỏ là cảnh báo nghiêm trọng nhất rồi đến màu da cam, vàng và xanh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 13/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới