Cấp bách tăng cường quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khu bảo tồn biển, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ban hành Chỉ thị số 29 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Để khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khu bảo tồn biển hiện nay, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án làm cơ sở khoa học đề xuất thành lập mới, mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và phục hồi, phát triển các hệ sinh thái biển; Đôn đốc, hướng dẫn địa phương khẩn trương thành lập, quản lý khu bảo tồn biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản, xử lý các hành vi vi phạm tại các khu bảo tồn biển và trên các vùng biển.
Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống khu bảo tồn biển; Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho khu bảo tồn biển, ban hành lượng giá giá trị của các hệ sinh thái biển làm cơ sở đề xuất phương án thu chi phí dịch vụ hệ sinh thái biển tại các khu bảo tồn biển; Thực hiện nhiệm vụ điều tra, thu thập số liệu về đa dạng sinh học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam theo đúng chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ TN&MT có nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển; Kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động nhận chìm ở biển, hoạt động lấn biển, hoạt động khai thác khoáng sản trên biển để hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố ven biển, tiến hành tổ chức rà soát, đánh giá tác động của các dự án có liên quan đến khu bảo tồn biển, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, khu đô thị ven biển, dự án nuôi trồng hải sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc hoạt động không đúng theo quy hoạch từ trước đến nay; Không cấp phép các dự án đầu tư phát triển trên phần diện tích đã quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển, khu vực có phân bổ của các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn; Thẩm định chặt chẽ, đánh giá kỹ năng lực, điều kiện và tính khả thi đối với các dự án đầu tư, giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển, xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái tại các khu vực ven biển, đảo... phù hợp với quy hoạch ngành, không gây tổn hại đến sinh thái, môi trường tại khu vực biển, đảo, khu bảo tồn biển, bảo đảm quy định pháp luật, lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với ban quản lý khu bảo tồn biển trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển; Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng xâm phạm khu bảo tồn biển, gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái biển, khai thác nguồn lợi hải sản trái phép tại các khu bảo tồn biển; Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục, phòng ngừa các vi phạm liên quan đến khu bảo tồn biển.
Đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 Khu bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. 6 Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là: Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.
Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam. Các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; Phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; Gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp. Tất cả 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam tập trung ở vùng biển ven bờ, xa nhất là khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Biển, vùng ven biển và các hệ sinh thái biển cung cấp tài nguyên cho sự phát triển kinh tế biển. Nhưng các hệ sinh thái biển và các tài nguyên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Ô nhiễm môi trường, khai thác đánh bắt cá quá mức, đa dạng sinh học biển bị đe dọa...
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ưu tiên và chú trọng hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển và xem nó như một trong những giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển đất nước trong tương lai. Việc duy trì được tính đa dạng hệ sinh thái và các loài sinh vật biển chính là bảo toàn “nguồn vốn tự nhiên”, tạo ra sự phát triển ổn định cho kinh tế biển Việt Nam. Vì vậy, bảo tồn biển và phát triển kinh tế là hai mặt của một vấn đề trong việc phát triển bền vững hướng tới hình thành nền kinh tế biển xanh.
Lan Anh (T/h