Cảnh báo hàng triệu người sẽ phải đi tị nạn do biến đổi khí hậu
UNHCR cảnh báo những trận lũ lụt, hạn hán tàn phá mùa màng, nhà cửa sẽ khiến hàng triệu người dân phải bỏ quê hương đi tìm kế sinh nhai ở những vùng đất mới, thậm chí là những quốc gia khác.
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Jakarta, ngày 1/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Thế giới cần chuẩn bị phương án đối phó với tình trạng hàng triệu người sẽ phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi, đã kêu gọi như vậy tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ ngày 21/1.
Ông Grandi đã đề cập đến phán quyết mà Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc đưa ra hồi đầu tuần đối với trường hợp 1 công dân quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati khởi kiện Chính phủ New Zealand sau khi bị giới chức nước này từ chối hồ sơ xin tị nạn.
Phán quyết này khẳng định đối tượng phải rời bỏ nhà cửa do chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đối khí hậu xứng đáng được quốc tế bảo vệ.
Ông Grandi coi đây là ví dụ điển hình của tình trạng người dân ở các nước bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu rời bỏ nhà cửa lánh nạn.
Do đó, theo ông Grandi, các nước cần chuẩn bị phương án đối phó với tình trạng sẽ có lượng lớn người dân phải rời bỏ nhà cửa một cách ngoài ý muốn mà ông cho rằng con số này sẽ lên tới hàng triệu người do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Các yếu tố thời tiết cực đoan có thể được tính là hậu quả biến đổi khí hậu gồm cháy rừng ở Australia, nước biển dâng khiến nhiều hòn đảo bị nhấn chìm, tàn phá mùa màng, gia súc ở vùng Nam châu Phi và gây lũ lụt nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi đó, công ước liên quan đến quy chế người tị nạn ký năm 1951 không bao gồm quy định coi biến đổi khí hậu là lý do để rời bỏ quê hương và xin tị nạn tại nước khác.
Do công tác hỗ trợ người tị nạn không ngừng mở rộng trong nhiều năm qua do làn sóng người di cư rời bỏ đất nước do xung đột như ở Iraq, Syria và Afghanistan, ngân sách của UNHCR đã tăng từ mức 1 tỉ USD/năm từ những năm 90 của thế kỷ trước, lên 8,6 tỉ USD vào năm 2019.
Hiện UNHCR đang hỗ trợ hơn 70 triệu người rời bỏ nhà cửa lánh nạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng, tính pháp lý của công ước đang trở nên phức tạp hơn.
Theo ông Grandi, tình trạng di cư do biến đổi khí hậu sẽ trở thành vấn đề không chỉ giới hạn trong vài quốc gia mà là một thách thức toàn cầu.
Lan Phương