Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch
Thời gian qua, Cần Thơ có những định hướng trọng tâm cho các hoạt động kinh tế đêm gắn với du lịch với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động như vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm (Đề án). Trong đó, Cần Thơ được xác định là một trong 12 tỉnh, thành tập trung xây dựng các mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Cụ thể, đến năm 2025, thì Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm.
Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đề án đưa ra 5 mô hình chính: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Đồng thời, Đề án cũng có các giải pháp về quy hoạch và quản lý đô thị, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, tổ chức và quản lý dịch vụ, đầu tư, định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại Cần Thơ, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP.Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) đang có những kết quả tích cực bước đầu. Cần Thơ có những định hướng trọng tâm cho các hoạt động kinh tế đêm gắn với du lịch. Theo đó, các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của Cần Thơ gồm các nhóm: vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm.
Cụ thể, vui chơi giải trí sẽ phát triển đa dạng các loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch vào ban đêm; tổ chức lễ hội âm nhạc, lễ hội ánh sáng, lễ hội pháo hoa, thời trang, liên hoan phim, nghệ thuật đương đại hướng đến tổ chức định kỳ tại các trung tâm, tổ hợp giải trí hoặc tuyến phố đi bộ, khu vực bờ sông, hồ..; các tuyến đường sách, đường hoa, đường “Ẩm thực Á - Âu”, đường “Văn hóa các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer - Chăm”...; tạo điều kiện cho các rạp chiếu phim, xiếc, vũ trường, bar, cafe, karaoke hoạt động và phát triển.
Đối với ẩm thực, sẽ hình thành không gian ẩm thực hấp dẫn như các phố ẩm thực, chợ hải sản, các nhà hàng ẩm thực ven sông, trên sông Hậu, sông Cần Thơ. Tổ chức các festival ẩm thực, lễ lội bánh dân gian Nam bộ, các cuộc thi vua đầu bếp Á - Âu, các sự kiện giúp du khách trải nghiệm ẩm thực vùng ĐBSCL.
Đối với các hoạt động mua sắm, sẽ nâng chất các hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị hiện có (kéo dài thời gian phục vụ, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ..); mời gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại quy mô vùng ĐBSCL, các chợ đêm mang bản sắc vùng miền, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, tổ chức các hoạt động dành cho khách du lịch trải nghiệm, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống...
Hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm sẽ hình thành các khu chăm sóc sức khỏe như massage, xông hơi, tắm lá thuốc; các hoạt động thả đèn trời, đèn hoa đăng trên sông, ngắm bình minh trên sông Hậu...
Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của TP.Cần Thơ có thể lồng ghép trong các mô hình kinh tế ban đêm phổ biến hiện nay đã được nhiều địa phương áp dụng thành công như: phố đi bộ, chợ đêm, khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp, kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế... Lộ trình thực hiện đến năm 2024, sau đó sẽ nhân rộng các mô hình.
Bên cạnh tuyến phố đi bộ Ninh Kiều đã hình thành, hiện UBND quận Ninh Kiều đang tập trung hai mô hình: phát triển kinh tế ban đêm tại tuyến phố chuyên doanh ẩm thực Đề Thám - Huỳnh Cương, Hồ Xáng Thổi (phường An Cư) và phát triển kinh tế ban đêm tại đường Lê Bình (phường Hưng Lợi).
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ cũng đang kêu gọi đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm; phối hợp các ngành hữu quan rà soát, tham mưu bổ sung khu vực phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy…
Vào tháng 4/2022, tuyến phố đi bộ Ninh Kiều chính thức ra mắt và đi vào hoạt động tại TP. Cần Thơ. Tuyến phố này nằm trên tuyến đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều (đoạn từ ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Nguyễn An Ninh đến ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Ngô Gia Tự, khu vực công viên Ninh Kiều), tuyến phố đi bộ dài khoảng 700 mét.
Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều được chia làm 3 khu vực:
- Mua sắm, ẩm thực (đoạn từ đầu đường Nguyễn An Ninh giao với đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Quyền giao với đường Hai Bà Trưng) và biểu diễn Đờn ca tài tử phía trên công viên Ninh Kiều của đoạn này.
- Hoạt động truyền thống gồm dâng hương, lễ báo công dâng Bác nhân các ngày lễ, kỷ niệm… (Khu tượng đài Bác Hồ).
- Hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt náo, trò chơi dân gian, ảo thuật... (đoạn từ đầu đường Thủ Khoa Huân đến Nhà hàng Hoa Cau và phía trên công viên đoạn từ Nhà hàng Hoa Cau đến cầu đi bộ).
Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều là một trong những điểm nhấn của TP. Cần Thơ nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, hiện thực hóa Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" cũng như Nghị quyết số 10 của Thành ủy Cần Thơ về "Đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới".
Xuân Tùng