Cần Thơ: Đỉnh triều cường giữa tháng 11 có thể cao hơn mức báo động III
Theo Đài Khí tượng Thủy văn TP. Cần Thơ dự báo, đỉnh điểm triều cường xuất hiện từ ngày 9 - 11/11 với mực nước cao nhất có khả năng xấp xỉ mức báo động III.
Vào cuối tháng 10/2022, Đài Khí tượng Thủy văn TP. Cần Thơ đã có thông tin sơ bộ về mật độ mực nước trên các sông rạch có dấu hiệu tăng lên nhanh và cao theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch trong những ngày tới, đỉnh triều cao nhất hàng ngày có thể vượt mức báo động III.
Đài Khí tượng Thủy văn TP. Cần Thơ đánh giá đây là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức rất cao, cần chú ý đề phòng trong thời gian triều lên kết hợp mưa lớn sẽ gây ngập úng diện rộng tại các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông.
Đến đầu tháng 11/2022, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn TP. Cần Thơ – ông Phan Thanh Hải tiếp tục khẩn trương thông tin đến người dân: Đánh giá tình hình hiện tại, mực nước trên các sông rạch thuộc địa bàn TP. Cần Thơ đang bắt đầu vào kỳ triều cường rằm tháng Mười âm lịch.
Hiện đang ở mật độ ngang báo động I, mực nước cao nhất gần đây là vào lúc 7h ngày 2/11/2022 diễn ra tại các trạm trên sông Hậu tại Trạm Long Xuyên là 2,30 m (trên mức báo động II là 0,10 m), còn tại Trạm Cần Thơ là 1,80 m (ngang mức báo động I).
Dự báo trong thời gian tới, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch TP. Cần Thơ sẽ có biến đổi chậm trong 2-3 ngày đầu, tuy nhiên ngay sau đó, sẽ có dấu hiệu dâng lên cao dần.
Dự báo mực nước cao nhất trong đợt triều cường này có khả năng lên đến mức 2,00 - 2,05m, xấp xỉ cao hơn mức báo động III theo tính toán.
Riêng đỉnh điểm của đợt triều cường này sẽ xuất hiện trong các ngày từ 9 - 11/11. Đài Khí tượng Thủy văn TP. Cần Thơ cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường sẽ nằm ở mức độ cấp I kể từ ngày 6/11.
Theo thống kê trước đó, trong kỳ triều cường tính từ ngày 9/10 đến ngày 14/10, chỉ tính riêng trên địa bàn quận Ninh Kiều có có khoảng hơn 80 tuyến đường bị ngập ( trong khi đỉnh triều cường năm 2019 chỉ có 61 tuyến đường bị ngập).
Đặc biệt, nhiều tuyến đường bị rơi vào tình trạng ngập sâu từ 0,45-0,7m, điển hình như: một số đoạn trên đường Mậu Thân, đoạn từ cầu Cồn Khương đến giao với đường Cách mạng tháng tám, đoạn tại trung tâm thương mại Vincom Xuân Khánh.
Có tuyến đường còn bị ngập toàn bộ với độ sâu từ 0,25-0,65m, như các tuyến: Đại lộ Hòa Bình, các tuyến đường: Võ Văn Kiệt, Huỳnh Cương, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương,Trần Việt Châu, Đoàn Thị Điểm, Phạm Ngũ Lão, Võ Trường Toản...
Trước tình hình trên, để có thể chuẩn bị kịp thời hơn trong công tác phòng chống thiên tai, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ - Ông Lê Tiến Dũng cho biết, hiện Sở đang khẩn trương tổng hợp, thống kê lại các tuyến đường hư do ngập nước trên địa bàn 9 quận huyện, sau đó có đề xuất sửa chữa, dặm vá cho phù hợp.
Đồng thời, Sở đã và đang phối hợp với Công an TP, Bộ Chỉ huy Quân sự, Thành Đoàn, Ủy ban Nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan chủ động khắc phục nhanh sạt lở đối với các tuyến giao thông đã bị ảnh hưởng trước đó.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại khu vực trọng điểm, xung yếu nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố; tăng cường lực lượng, tổ chức ứng trực, sẵn sàng có mặt để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông tại các giao lộ, điểm ngập sâu...
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh trong tổ chức đưa đón; căn cứ dự báo tình hình triều cường, chủ động quyết định phương án điều tiết thời gian đến trường, tan học, tạm nghỉ cho phù hợp.
Đồng thời, Sở Công Thương chủ động kết hợp với Công ty Điện lực Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để thực hiện kiểm tra công trình, mức độ an toàn lưới điện, trạm biến áp ngầm, nổi để đảm bảo an toàn cho các khu vực, đặc biệt ở trường học, khu dân cư bị ngập sâu.
Mai Anh