Cần tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án Bất động sản trên địa bàn TP.HCM
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản số 14/2022/CV- HoREA gửi UBND TP.HCM báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 64 dự án BĐS trên địa bàn TP.
Theo báo cáo của HoREA, TP.HCM có nhiều doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho thuê như Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Thiên Phát, Công ty Phú Cường, Công ty Vạn Thái, Saigonres… Tuy nhiên, do vướng mắc chủ yếu trong khâu thực thi pháp luật nên một số dự án bị “ách tắc” chưa thể triển khai thực hiện được.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, sau khi thống nhất với các kiến nghị của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, HoREA đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt để các Sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp chặt chẽ và khẩn trương để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, hoặc thủ tục giao đất cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… để tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới.
“Nếu được các Sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức tháo gỡ các vướng mắc thì hoàn toàn có thể khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó trong 06 tháng đầu năm 2022 để có thêm 5.209 căn hộ trong năm 2024-2025”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Bên cạnh đó, HoREA cho rằng, đối với thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án BĐS, nhà ở thương mại không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, được nộp tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.
Cũng theo kiến nghị của HoREA, UBND TP.HCM cần chỉ đạo quyết liệt để các Sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp chặt chẽ và khẩn trương để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư; thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án; tính tiền sử dụng đất phát sinh (nếu có); thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (có thể kết hợp điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000); thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (Hiện nay, còn khoảng hơn 20.000 căn hộ dự án nhà chung cư chưa được cấp sổ hồng) … mà các doanh nghiệp đã kiến nghị.
Đồng thời, Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng rà soát, chấn chỉnh, bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn thiếu và khâu mấu chốt là phải định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính tiền sử dụng đất dự án; xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh bổ sung của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án với Nhà nước (nếu có) đảm bảo nguyên tắc không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công, trước hết là đất đai, để các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án biết rõ và thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời tạo điều kiện ổn định an cư cho người mua nhà.
Phạm Thạch