Cần siết chặt quy định về hoạt động đấu giá bất động sản
Bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc sau đó bỏ cọc nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá. Người bỏ cọc có thể bị cấm tham gia các cuộc đấu giá trong một khoảng thời gian nhất định…
Sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm lần lượt bỏ cọc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần bổ sung, siết chặt các quy định của hoạt động đấu giá.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT Đào Trung Chính cho rằng, Luật Đấu giá của Việt Nam hiện còn nhiều lỗ hổng quy định về nguồn vốn, điều kiện của các doanh nghiệp khi tham gia đấu giá do vậy rất dễ xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng bắt tay, trục lợi và sẵn sàng bỏ cọc.
Nguyên nhân của những tồn tại trong đấu giá quyền sử dụng đấtthời gian qua là do trong khâu tổ chức thực hiện của một số địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát cuộc đấu giá, ông Chính cho hay.
Mặt khác, quy định của pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến việc đấu giá đất chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật như pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật về quản lý thuế. Hiện cũng chưa có quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.
Đồng thời, thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài là một kẽ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo việc đấu giá công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá quyền sử dụng đất, ông Chính đưa ra ý kiến
Theo đó, tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.
Bổ sung quy định khi được công nhận là người trúng đấu giá thì phải nộp ngay số tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.
Bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc sau đó bỏ cọc nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá. Người bỏ cọc có thể bị cấm tham gia các cuộc đấu giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau thời gian khuynh đảo thị trường địa ốc và cổ phiếu bất động sản, vụ đấu giá đất Thủ Thiêm tiếp tục làm nóng dư luận khi 2 nhà đầu tư trả giá cao nhất là Công ty Ngôi Sao Việt – đơn vị trả 2,45 tỷ đồng/m2 cho lô 3-12 và Công ty Bình Minh – đơn vị trả 1 tỷ đồng/m2 cho lô 3–9, lần lượt xin bỏ cọc, tạm dừng thực hiện dự án.
Đến hiện tại chỉ còn 2 đơn vị là Công ty CP Dream Republic trúng lô 3–5 với giá 593 triệu đồng/m2 và Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8 với 467 triệu đồng/m2.
Theo quy chế, trong vòng 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo thu, doanh nghiệp trúng đấu giá phải đóng lệ phí trước bạ và nộp 50% tiền sử dụng đất. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại.
Song hiện đã hết thời hạn 30 ngày kể từ khi Cục Thuế thành phố thông báo, 2 doanh nghiệp còn vẫn chưa thực hiện nộp 50% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, kể cả 2 doanh nghiệp còn lại đấu giá xấp xỉ 500 triệu đồng/m2 đất thì bài toán thực hiện dự án tại đây vẫn không khả thi. Vị này cho biết, với Thủ Thiêm, tiềm năng trong tương lai là rất lớn, song đấy là tầm nhìn 5-10 năm hay thậm chí 20 năm.
Cùng với đó, nhìn từ câu chuyện hậu đấu giá, mặt bằng giá mới đã được thiết lập, cổ phiếu bất động sản cũng được phen phi mã, không loại trừ khả năng những nhà đầu cơ hoặc những đơn vị liên quan đã được hưởng lợi quá lớn khi các cổ phiếu tăng phi mã. Và cũng có giả thiết các đơn vị liên quan đã kiếm được món lợi khổng lồ, cao hơn nhiều lần so với khoản tiền cọc bị mất khi đấu giá.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai cho hay: “Dù kết quả cuối cùng bỏ cọc hay không vẫn phải chờ 2 doanh nghiệp còn lại lên tiếng, nhưng kịch bản bỏ cọc không phải không có khả năng”.
Bùi Hằng (T/h)