Thứ tư, 18/12/2024 18:02 (GMT+7)
Thứ tư, 18/12/2024 14:22 (GMT+7)

Cần lộ trình và cơ chế hỗ trợ hợp lý khi kiểm định khí thải xe máy

Theo dõi KTMT trên

Thông tư 47/2024/TT-BGTVT liên quan đến kiểm định khí thải mô tô, xe máy đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân do sự tác động tới kinh tế, môi trường.

Cần lộ trình và cơ chế hỗ trợ hợp lý khi kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 1
Xe máy hiện đang là một trong những nguồn gây phát thải lớn.

Kiểm định khí thải xe máy là cần thiết

Thông tư 47/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, xe mô tô, xe máy dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng. Thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.

Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cấp.

Tuy nhiên, thời gian, lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Luật này do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ ban hành quyết định lộ trình thực hiện kiểm định khí thải định kỳ với mô tô, xe gắn máy.

Được biết, hiện, Bộ Tài nguyên và môi trường chưa trình dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lên Chính phủ. Do còn chờ quyết định về lộ trình thực hiện nên việc kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy chưa thực hiện ngay từ 1/1/2025.

Mặc dù sẽ chưa có ngày cụ thể bắt đầu thực hiện vì phải chờ lộ trình, nhưng việc kiểm định khí thải xe máy là điều cần phải làm. Đây sẽ là một trong những giải pháp để giảm phát thải khí CO2, tăng cường bảo vệ môi trường và hướng tới chuyển đổi xanh ngành giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Theo kết quả đo kiểm khí thải xe máy thí điểm ở 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM gần đây nhất cho thấy, khí thải của các xe chỉ cần đã qua 5 năm sử dụng đã có tỷ lệ vượt quy định của tiêu chuẩn lớn. Như vậy, với sự gia tăng số lượng xe máy theo thời gian mà vẫn không có giải pháp quản lý chất lượng khí thải thì vấn đề ô nhiễm không khí đô thị sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện chuyên ngành môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải đưa ra cảnh báo: "Hà Nội có lượng xe máy đang lưu hành khoảng gần 7 triệu chiếc; mỗi năm bình quân có thêm khoảng 200.000 xe mới được đưa vào sử dụng. Nếu chúng ta không kiểm soát chất lượng khí thải xe máy thì rõ ràng nguồn thải này sẽ ngày càng lớn và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân thành phố."

Thực tế, không ít lần cơ quan Nhà nước đưa ra chủ trương, quy định mới liên quan đến mô tô, xe máy đều gặp vướng mắc. Lý do chính là xe máy hiện vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong đô thị.

Theo báo cáo của Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nếu thực hiện kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy có thể giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí do loại phương tiện này gây nên. Tuy vậy trên thực tế, chúng ta vẫn đang loay hoay đi tìm kịch bản phù hợp khi các đề án, chính sách mới chỉ nằm trên giấy.

Trong nghiên cứu “Phát thải từ hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy trong giao thông đường bộ tại TP Hà Nội”, nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra các căn cứ cho thấy, xe máy là nguồn thải cần kiểm soát và áp dụng các biện pháp giảm phát thải để giảm các chất ô nhiễm không khí.

Kết quả tính hệ số phát thải cho nhóm xe máy ở Hà Nội đối với CO là 12,63 g/km trong thời gian xe chạy và 0,123 g/lần trong thời gian khởi động.

Tổng phát thải bụi từ xe máy là 5.261 tấn/năm, NOx là 22.478 tấn/năm, CO là 845.340 tấn/năm và SO2 là 345 tấn/năm

Vẫn cần có lộ trình và cơ chế hỗ trợ

Cần lộ trình và cơ chế hỗ trợ hợp lý khi kiểm định khí thải xe máy - Ảnh 2

Anh Duy Khánh (24 tuổi), đang sinh sống và làm việc tại TP Hà Nội, cho biết sau khi nghe thông tin về việc đăng kiểm khí thải xe máy anh thấy khá lo lắng vì nhà đang có 2 xe máy đều trên 5 năm sử dụng. "Hai vợ chồng tôi mỗi người một chiếc xe máy đã mua và sử dụng 6 năm nay. Bây giờ thấy thông tin phải kiểm định nên cũng khá lo lắng, không biết nếu xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải thì có được lưu thông nữa hay không? Nếu không thì có được hỗ trợ gì không, bởi kinh tế gia đình cũng không dư dả gì". 

“Cần có những hướng dẫn rõ ràng hơn về quy định để người dân hiểu rõ về quy định và lợi ích mà việc kiểm định mang lại. Đồng thời, nhà nước cũng nên có cơ chế hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sang các phương tiện xanh hơn nếu xe máy không đạt tiêu chuẩn”, anh Duy Khánh nêu ý kiến.

Việc kiểm soát khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm, loại bỏ xe cũ, nát là điều cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần quy định rõ lộ trình áp dụng, và kiểm tra, giám sát, xử phạt ra sao, nếu không quy định đưa ra nhưng sẽ khó thực hiện và phải bỏ, tương tự như quy định thu phí đường bộ với xe máy trước đây.

Số lượng xe máy tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng là rất lớn. Việc kiểm định tuy thiết bị đơn giản, thời gian kiểm tra với xe ngắn chỉ từ 5 – 10 phút nhưng vẫn cần có sự chuẩn bị về nguồn lực từ sớm để phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân, tránh quá tải hệ thống.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các bước thời hạn đăng kiểm phù hợp với "số tuổi" của phương tiện. Hơn nữa, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, cần xem xét cho người dân đăng ký làm thủ tục trực tuyến kèm trực tiếp để tránh xếp hàng, quá tải như đăng kiểm ô tô thời gian vừa qua. 

Đồng thời, Nhà nước cũng xem xét đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng để hướng tới việc sử dụng các phương tiện xanh, giảm việc sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, bên cạnh kiểm soát khí thải, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi xe mới hơn. Thậm chí, để hạn chế xe cá nhân, cần tính tới việc phải chi ngân sách hỗ trợ người dân tương tự như chính sách các địa phương trợ giá vé phương tiện công cộng để người dân giảm đi xe riêng, hay miễn giảm thuế để giảm giá xe điện.

Bên cạnh đó lộ trình kiểm tra khí thải của xe máy cũng nên xây dựng thích hợp để không gây nhiều xáo trộn cho người dân, xã hội và không gây áp lực lên cơ sở kiểm định dẫn đến quá tải hệ thống.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Cần lộ trình và cơ chế hỗ trợ hợp lý khi kiểm định khí thải xe máy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới