Thứ năm, 25/04/2024 21:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/02/2022 12:02 (GMT+7)

Cần linh hoạt, hiệu quả trong việc cho học sinh trở lại trường

Theo dõi KTMT trên

Nhiều phụ huynh lo lắng khi cho con quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm, việc đưa học sinh quay lại trường là xu hướng tất yếu, không thể khác.

Vấn đề cho trẻ quay lại trường học còn nhiều khúc mắc

Trước bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, việc học sinh các khối quay trở lại trường để tiếp tục học tập đang là vấn đề được Nhà nước và người dân hết sức quan tâm. Tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu cho biết, số học sinh F0, F1 hiện tăng nhanh tại nhiều trường học.  

Cần linh hoạt, hiệu quả trong việc cho học sinh trở lại trường - Ảnh 1
Việc đưa học sinh quay lại trường là xu hướng tất yếu, không thể khác. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, hiện nay trẻ em từ 5-11 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng, chống Covid, liệu việc quay trở lại trường học tại thời điểm này có phải giải pháp tối ưu nhất?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời về vấn đề này cho rằng: "Việc mở cửa trường học, trẻ em quay lại trường là mong muốn, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh và của toàn xã hội. Mặt khác, ngành giáo dục rất quyết tâm và có sự phối hợp tốt của các địa phương, tuy nhiên tâm lý lo ngại của phụ huynh vẫn còn bộn bề, ngổn ngang".

Theo các đại biểu dự họp, dù tỷ lệ tử vong là không cao, nhưng các phụ huynh cũng lo lắng tỷ lệ ít đó có thể rơi vào con mình. Đặc biệt, di chứng để lại sau khi nhiễm bệnh cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Ngoài ra, việc trong lớp có học sinh là F0 dẫn đến tình trạng học online - offline hỗn hợp gây nên nhiều khó khăn cho việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Trước những ý kiến các đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc đưa học sinh trở lại trường là xu thế tất yếu, không thể khác, cũng không có phương án nào toàn diện, đáp ứng được mọi khâu lúc này, do đó cần chọn phương án khả dĩ hơn cả.

Cần linh hoạt, hiệu quả trong việc cho học sinh trở lại trường - Ảnh 2
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Khả thi nhất là căn cứ vào cấp độ dịch của từng nơi để đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả nhất hướng đến mục tiêu đưa học sinh trở lại trường, vì quyền lợi của chính học sinh.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 18/2, tổng số học sinh trở lại trường học trực tiếp là hơn 21 triệu học sinh, đạt tỷ lệ 94,70%. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tới ngày 20/2, số tỉnh, thành cho học sinh đi học trực tiếp lại giảm. Trong đó, nhiều tỉnh, thành khi phát hiện F0, F1 sẽ triển khai khoanh vùng, cho những học sinh này ở nhà học trực tuyến, những học sinh còn lại tiếp tục học tại trường.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ không quy định cứng thời gian năm học. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành vẫn có thể đề xuất điều chỉnh thời gian kết thúc năm học để chủ động triển khai việc dạy học theo hướng thích ứng và đảm bảo an toàn cho học sinh. Thậm chí, Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến phương án có thể phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo nhiều đợt.

Quyết tâm, nhưng không chủ quan

Về định hướng tiếp theo, Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu còn nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác. Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh phức tạp, một số nơi phải quay lại học trực tuyến nhưng ở nhiều địa phương, lộ trình đưa học sinh đi học tiếp vẫn đang được tiếp tục.

Bộ trưởng cho biết: “Một số địa phương đưa ra khẩu hiệu, chỉ có một học sinh đến lớp vẫn mở cửa lớp, có ý kiến cho rằng điều này là không hiệu quả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng có hiệu quả, có một vài em số ít gia đình không thể trông nên đưa đến lớp - đây là sự khẳng định cho một thái độ, là sự cổ vũ cho các cháu khác và những người khác bình tĩnh ứng phó.”

Đối với tiến độ kết thúc năm học, trong kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tùy tình hình, các địa phương có thể lùi thời điểm kết thúc năm học phù hợp, "có thể vào giữa hè hoặc cuối hè, không cứng nhắc cố định thời điểm kết thúc".

Thảo luận về vấn đề tiêm chủng cho học sinh dưới 11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến ngày 25/2, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 chiếm 99%, mũi 2 khoảng 98%, mũi 3 khoảng 32%. Trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 1 chiếm khoảng 99%, mũi 2 chiếm 94%. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 213 triệu liều vaccine (50% các quốc gia, tổ chức hỗ trợ), tiêm được khoảng 193 triệu liều.

Đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đồng ý để Bộ Y tế mua gần 22 triệu liều vaccine của Pfizer để tổ chức tiêm cho nhóm trẻ này.

Các thủ tục mua vaccine cho trẻ đến nay cơ bản đã xong. Bộ Y tế đang đề nghị đơn vị cung cấp chuyển vaccine về trong nước chậm nhất trước 30/4 để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng cho trẻ em. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn y tế cơ sở tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Cần linh hoạt, hiệu quả trong việc cho học sinh trở lại trường - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, thời điểm này đưa ra quan điểm coi dịch Covid-19 như cúm mùa là quá sớm. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa thể chấm dứt trong năm 2022 và có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 19% tổng số ca mắc, tỷ lệ trẻ em tử vong chiếm 0,4%. Trước ngày 1/2, từ 0-2 tuổi, tỷ lệ mắc chiếm 3,2%; từ 3-5 tuổi 2,7%; 6-19 tuổi là 7,9%. Tỷ lệ trẻ em mắc diễn biến nhẹ, tỷ lệ tử vong rất thấp.

Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh cũng cho rằng, nhiều Đại biểu băn khoăn khi mở cửa trường học nhưng cũng cần căn cứ vào Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Thứ trưởng Minh chia sẻ: "Người lớn thích ứng an toàn thì không thể không cho học sinh và sinh viên thích ứng an toàn nên không thể không cho các em đến trường được. Qua thống kê, hầu hết các em bị lây nhiễm ở gia đình, ngoài xã hội chứ lây nhiễm trong trường học tỷ lệ rất ít. Do đó phương án mở cửa trường học là điều không thể khác để thích ứng linh hoạt".

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần linh hoạt, hiệu quả trong việc cho học sinh trở lại trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.