Cần hỗ trợ DN, người lao động vượt qua giai đoạn tiền khủng hoảng
Việt Nam cần tiếp tục kiên định với các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp (DN), bảo vệ người lao động tại nơi làm việc.
Theo Điều tra Lao động Việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Quốc tế (ILO), lực lượng lao động giảm tới 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm sâu kỷ lục của thị trường lao động Việt Nam.
Tỉ lệ tham gia thị trường lao động còn giảm sâu hơn ở khu vực nông thôn và trong lực lượng lao động nữ. Tính đến hết tháng 6 vừa qua, có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn nhiều nước khác để vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động. (Ảnh minh họa) |
Cũng theo ILO, năm nay cũng là lần đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường lao động trong quý II/2020 đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Đại dịch đã làm suy giảm các hoạt động kinh tế tại một số lĩnh vực như: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng… xuống mức chưa từng có.
Tuy nhiên, Giám đốc ILO Việt Nam Chang - Hee Lee tin tưởng rằng, Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn nhiều nước khác để vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động, trong đó, Việt Nam đã thành công đối với cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng.
Theo ông Chang - Hee Lee, Việt Nam sẽ cần tiếp tục kiên định với các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc.
“Bây giờ là lúc Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau đoàn kết để xây dựng và thực hiện những chính sách và biện pháp dựa trên bằng chứng, để giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này và để Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn cả giai đoạn tiền khủng hoảng”, ông Chang - Hee Lee nói.
Thủy Chung