Cần sớm giải quyết bài toán nguồn cát san lấp tại dự án Vành đai 3 TP.HCM
Theo các nhà thầu, một số gói thầu tại dự án Vành đai 3 TP.HCM hiện đang chậm tiến độ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu nguồn cát san lấp và giải phóng mặt bằng là hai nguyên nhân lớn nhất.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm, có tổng chiều dài giai đoạn 1 gần 76km, đi qua TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 75.000 tỷ đồng.
Được khởi công vào tháng 6/2023 nhưng đến nay việc thi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đang bị chậm tiến độ do nguồn cát san lấp không đáp ứng đủ và việc giải phóng mặt bằng chưa hoàn thiện.
Thông tin với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện gói thầu XL1 đoạn qua tỉnh Long An, đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Đại Á Châu cho biết, về giải phóng mặt bằng dự án đã giải phóng được 96% chỉ còn một số vị trí người dân đã bàn giao mặt bằng nhưng việc đền bù vẫn đang được giải quyết. Về công tác bảo vệ môi trường, dự án đã làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và đơn vị thi công đang thực hiện theo quy định.
Về tiến độ, đại diện Công ty Đại Á Châu cho hay, hiện dự án chỉ còn chậm khoảng 10 ngày so với tiến độ thi công. Nguyên nhân của việc chậm hơn so với tiến độ là vì nguồn cát san lấp đang thiếu bởi sản lượng cát san lấp tại các tỉnh được cấp đang được tập trung vào các công trình trọng điểm tại địa phương. Tuy nhiên, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được phép sử dụng nguồn cát thương mại nên việc san lấp mặt bằng tại dự án cũng đỡ phải chịu áp lực như các công trình trọng điểm khác.
Chia sẻ thêm về dự án, đại diện Công ty Đại Á Châu cho biết, việc thi công và tiến độ của các dự án đầu tư công hiện được các cơ quan ban ngành rất quan tâm nên hàng tháng đơn vị thi công đều phải báo cáo tình hình thi công và những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai của dự án để các cơ quan ban ngành có phương án tháo gỡ kịp thời.
Trả lời báo chí ông Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng công trường thi công cầu Cây Xanh (thuộc gói thầu XL6, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết, đơn vị phụ trách thi công 6km. Các mỏ cát cung cấp cho dự án chủ yếu từ các tỉnh miền Tây chuyển lên. Tuy nhiên, số lượng ít ỏi hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu. Tình trạng khan hiếm càng nghiêm trọng hơn khi một số mỏ đã ngưng cung cấp hoặc chỉ cung cấp cho các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang, các dự án của các tỉnh.
"Hiện Vành đai 3 TP.HCM mới chỉ triển khai một số gói thầu. Trong bối cảnh cuối năm 2023 sẽ đấu thầu xong 6 gói còn lại, lúc đó nhu cầu cát đắp sẽ càng lớn hơn", theo ông Nam, nếu tình trạng này kéo dài, tiến độ dự án có nguy cơ bị chậm.
Dọc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM qua các khu vực như Hóc Môn, Củ Chi, TP. Thủ Đức… hiện cũng đã hoàn thành việc cào bóc hữu cơ, song phần lớn công địa đang phải nằm chờ cát.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, nhu cầu vật liệu cho toàn tuyến Vành đai 3 ước tính khoảng 12,2 triệu m3. Trong đó, nguồn đất và cát phục vụ công tác san lấp khoảng 7 triệu m3; cát và đá xây dựng hơn 5,2 triệu m3.
Các đơn vị liên quan đã khảo sát và thống kê trong vùng có 120 mỏ vật liệu đang khai thác thuộc 8 địa phương, trong đó có ba tỉnh mà vành đai đi qua gồm: Bình Dương, Đồng Nai và Long An, còn lại chủ yếu ở miền Tây. Tổng trữ lượng tại 120 mỏ vật liệu này ước tính hơn 503 triệu m3.
"Tuy nhiên, nguồn này sẽ bị phân tán qua nhiều công trình lớn khác đang triển khai ở khu vực, dễ dẫn đến Vành đai 3 gặp tình trạng khan hiếm vật liệu", ông Phúc cho biết.
Theo tìm hiểu được biết, hiện nguồn cát đắp nền đường đang thiếu khoảng 20% khối lượng so với nhu cầu của dự án. Trước đó, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan khảo sát bổ sung, làm việc với các địa phương lân cận để điều phối, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục gia hạn thời gian khai thác, nâng công suất mỏ.
UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi 5 tỉnh gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp đề nghị hỗ trợ nguồn cát để thực hiện đường Vành đai 3. TP.HCM. Tuy nhiên, một số địa phương như Bình Dương và Bình Phước cho biết các tỉnh không thể đáp ứng vì không có thẩm quyền.
Thông tin từ tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long thì có nguy cơ thiếu trầm trọng vì các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 3,6 triệu m3 (khoảng 50% nhu cầu dự án). Còn 50% cát đắp nền cho Vành đai 3 dự kiến lấy tại Đồng Tháp và An Giang. Thế nhưng, Đồng Tháp cũng đã từ chối vì cần ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương.
Còn tại tỉnh An Giang không còn khả năng hỗ trợ nguồn cát cho TP.HCM. Nguyên nhân là hiện mọi nguồn cát tại An Giang đều đã huy động cho các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Lương Minh Phúc cho biết, sắp tới, Tổ Vật liệu của TP.HCM sẽ làm việc với các tỉnh lân cận để bàn và thống nhất về vấn đề này để tìm cách tháo gỡ cho dự án.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất UBND TP tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp có thẩm quyền, chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3. TP.HCM.
Đồng thời, Sở GTVT cũng tham mưu TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành tiêu chuẩn sử dụng cát biển phục vụ các dự án đường bộ cao tốc, giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp như hiện nay.
Việc tháo gỡ việc khan hiếm của nguồn cát san lấp để thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đang là vấn đề cần được các cơ quan ban ngành quan tâm và sẽ là giải pháp quan trọng để dự án không bị chậm tiến độ trong thời gian sắp tới.
Phạm Thạch