Chủ nhật, 24/11/2024 20:17 (GMT+7)
Thứ ba, 19/07/2022 06:59 (GMT+7)

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3

Theo dõi KTMT trên

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án về hạ tầng lớn nhất ở phía Nam từ trước đến nay, lại được triển khai trong thời gian ngắn nên cần tổ chức tốt để giảm đến mức thấp nhất các rủi ro phát sinh.

TP.HCM vừa tổ chức hội nghị triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, nhằm rà soát, tham vấn chuyên gia, chuẩn bị nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, lựa chọn công nghệ để dự án được chuẩn bị chu đáo và hiệu quả nhất.

Thông tin cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, chính quyền TP.HCM đang lập kế hoạch cụ thể, trình dự thảo để Chính phủ ban hành Nghị quyết chính thức cơ chế thực hiện dự án Vành đai 3. Trong hội thảo vừa được tổ chức tuần qua, các cấp ban ngành của thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chuẩn bị cho mục tiêu khởi công dự án vào tháng 6/2023.

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3 - Ảnh 1
Vành đai 3 - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng TP.HCM. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tránh phát sinh tiêu cực từ việc chuyển nhượng đất đai, tạo sự đồng thuận với người dân; nhanh chóng rà soát quỹ đất, tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để tăng thu ngân sách từ việc tổ chức đấu giá đất hai bên dự án. Đây là các kiến nghị rất cụ thể từ các địa phương có đường Vành đai 3 đi ngang qua.

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3 - Ảnh 2
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng' trong đó vốn trung ương 50% và vốn địa phương 50%. (Ảnh:  vneconomy)

"Xuất hiện tuyến Vành đai 3 là một cơ hội rất lớn cho việc phát triển đô thị hai bên đường, đặc biệt khu vực có nút giao và khu vực có đường lên và xuống kết nối với Vành đai 3", ông Hoàng Tùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Thủ Đức cho hay.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện các dự án giao thông trước đây, thành phố đề xuất cơ chế bồi thường và tái định cư trước cho người dân, sau đó mới giải phóng mặt bằng. Cơ chế bồi thường sẽ là đất ở bồi thường bằng đất ở theo tỉ lệ 1:1; đối với đất nông nghiệp thực hiện hoán đổi sang đất ở theo tỷ lệ nhất định.

"Bố trí tái định cư tại chỗ, chúng ta căn cứ vào quy mô thu hồi đất, số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng và dự kiến tỷ lệ hoán đổi giữa đất nông nghiệp qua đất ở. Để người dân đồng thuận và thực hiện chủ trương thu hồi đất, từ đó chúng ta mới tổ chức bán đấu giá được", ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết.

Dự án Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… với 8 dự án thành phần. Do đó, để đảm bảo tính liên thông, giám đốc Ban Giao thông cho biết thành phố đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ, tích hợp thông tin từ các đầu mới thực hiện để kiểm tra theo dõi được tiến độ thực hiện từng hạng mục công việc của dự án.

Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài 76 km, tổng mức đầu tư là hơn 75.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến quý IV/2022 thành phố sẽ bàn giao ranh dự án để triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Dự kiến đến cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và thực hiện khởi công dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km. Bao gồm: Đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km.

Đường Vành đai 3 có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long Ain. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới