Thứ bảy, 23/11/2024 04:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/09/2021 09:27 (GMT+7)

Cần đưa ra chính sách để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất sau dịch

Theo dõi KTMT trên

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine, đang cách ly,...

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến đúng vào giai đoạn cao điểm trong sản xuất nên càng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 8 ước tính đạt 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Có thể thấy, việc chống đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng sẽ phụ thuộc 3 yếu tố cơ bản: tốc độ tiêm chủng vaccine cho người lao động trong các doanh nghiệp; hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện hiệu quả các chính sách gói hỗ trợ của Chính phủ.

Do đó, theo VASEP, 100% DN khảo sát cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để DN duy trì sản xuất. Nếu Chính phủ và các địa phương không có biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu thủy sản đang hiện tiền trước mắt.

Cần đưa ra chính sách để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất sau dịch - Ảnh 1
Các doanh nghiệp thủy sản gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, để giảm sự tác động bởi nguồn nhân lực, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp thì cũng rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành và địa phương.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, hiện nay các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%. Do đó, thiếu hụt công nhân và chi phí tăng cao là những gì mà các DN đang phải gánh chịu.

Đối với các DN chế biến cá tra tại ĐBSCL, có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt size do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất.

Tại Hậu Giang, hầu hết nhà máy thủy sản đã đóng cửa nếu không đáp ứng được “3 tại chỗ”, thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ” nên toàn bộ lao động từ “vùng xanh” không tới làm việc được tại nhà máy.

Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký. Tuy nhiên, cũng buộc phải ngưng hoạt động sau 1 tháng do phát sinh chi phí quá lớn về tiền thuê khách sạn, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm...

Các tỉnh Nam Trung Bộ là khu vực trọng tâm của sản xuất thủy sản Việt Nam, chiếm từ 90-95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng. Nhưng đây cũng là vùng thời gian qua nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau.

Hiện, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ từ 10-50% số lượng lao động.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tỉ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung Bộ trở vào mới đạt trung bình từ 30-35% cho mũi 1, tỉ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%.

Với các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp, người lao động phải chờ đợi vaccine quá lâu trước khi được tiêm phòng để có thể quay lại nhà máy.

Cần đưa ra chính sách để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất sau dịch - Ảnh 2
Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng duy trì việc làm và giữ chân người lao động để khôi phục sản xuất sau dịch. (Ảnh minh họa)

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, một số khâu sản xuất của ngành không đủ nhân lực tham gia do người lao động không muốn tham gia sợ nhiễm bệnh, người tham gia được lại không đủ điều kiện về y tế như chưa được tiêm vaccine…

Các tỉnh, thành cần xem xét phương án thí điểm do doanh nghiệp đề xuất về mở rộng quy mô sản xuất “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện trên cơ sở có phương án tổ chức vùng đệm giữa lực lượng lao động mới và lực lượng đang thực hiện “3 tại chỗ”. Đồng thời, mở thêm các mô hình mới “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, khu công nghiệp, khu chế xuất... để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần đưa ra chính sách để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất sau dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới