Cần đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng để "hồi sinh" 2 bãi chôn lấp rác tại TP.HCM
Trong, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ triển khai 2 dự án xử lý ô nhiễm môi trường, tạo quỹ đất phát triển đô thị tại bãi rác đã hoàn thành việc chôn lấp theo hình thức hợp tác công tư với tổng mức đầu tư khoảng 7.200 tỉ đồng.
Mới đây, Sở TN&MT TP.HCM có báo cáo gửi Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công, trong đó xác định giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai 2 dự án xử lý ô nhiễm môi trường, tạo quỹ đất phát triển đô thị tại bãi rác đã hoàn thành việc chôn lấp theo hình thức hợp tác công tư với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 7.200 tỉ đồng.
Cụ thể, bãi chôn lấp Gò Cát (Q.Bình Tân) rộng 25 ha, TMĐT dự kiến 2.800 tỉ đồng; còn bãi chôn lấp Đông Thạnh (H.Hóc Môn) rộng 45 ha có TMĐT lên đến 5.400 tỉ đồng. Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh tiếp nhận rác sinh hoạt từ năm 1991, đóng cửa vào năm 2002, tổng lượng rác tiếp nhận gần 11 triệu tấn. Bãi chôn lấp rác Gò Cát bắt đầu tiếp nhận rác từ năm 2001, đóng cửa năm 2007 với tổng lượng rác chôn lấp gần 6 triệu tấn.
Dự án cây xanh cách ly bãi rác cả chục năm vẫn "nằm trên giấy"
Với hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt hằng ngày, phần lớn rác thải được xử lý tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (H.Củ Chi) và Khu liên hợp Xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (H.Bình Chánh).
Để hạn chế mùi hôi bay đến các khu dân cư xung quanh bãi rác, TP.HCM đã triển khai nhiều dự án trồng cây xanh cách ly. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn do Sở TN&MT vừa gửi Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, hầu hết các dự án cây xanh cách ly đều chưa triển khai.
Các dự án bồi thường chậm trễ cũng kéo theo dự án trồng cây xanh cách ly đi vào ngõ cụt, cuộc sống người dân tiếp tục bị tra tấn bởi mùi hôi tỏa ra từ bãi rác. Báo cáo của Sở TN-MT thừa nhận dự án trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước rộng 268 ha, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng chưa triển khai.
Hai dự án trồng cây xanh cách ly khác tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc giai đoạn 2 với quy mô 197 ha và giai đoạn 3 quy mô 67 ha (tổng mức đầu tư 2 dự án là 90 tỉ đồng) cũng "đứng hình" vì 2 dự án bồi thường chưa hoàn tất.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM hồi cuối tháng 8/2022, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi nêu bức xúc của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn do hoạt động của Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Nguồn nước xung quanh khu xử lý rác thải bị ô nhiễm, đất đai cũng không thể canh tác dù trước đây người dân có thể làm 2 - 3 vụ lúa.
Do đó, UBND H.Củ Chi đề nghị Sở TN&MT tham mưu UBND TP.HCM sớm triển khai dự án trồng cây xanh cách ly. “Nếu dự án này kịp làm để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, thì đó sẽ là niềm vui không thể tả đối với người dân H.Củ Chi", bà Hiền mong mỏi.
Mỹ Như