Thứ bảy, 20/04/2024 16:04 (GMT+7)
Thứ ba, 31/03/2020 13:30 (GMT+7)

Cần đầu tư công nghệ để giảm thiểu trượt lở đất đá

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để phòng chống lũ quét, trượt lở đất đá tại các vùng núi nhưng khi mùa mưa bão đến, hiện tượng này vẫn xảy ra với quy mô, phạm vi ngày càng lớn.

Điều này cho thấy, ngoài việc nâng cao chất lượng công nghệ dự báo, cảnh báo, vẫn cần đầu tư các giải pháp công nghệ để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thiên tai ngày càng khó lường

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), trong 20 năm qua, trên cả nước đã xảy ra hơn 300 trận lũ quét, sạt lở đất và ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó có thể lường hết được.

Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, tại khu vực vùng núi phía Bắc đã xảy ra 12 trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng 1.000 tỷ đồng… Hiện vẫn còn nhiều hộ gia đình đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn, nguy cơ sạt lở đất cao.

Cần đầu tư công nghệ để giảm thiểu trượt lở đất đá - Ảnh 1
Trượt lở đất đá luôn de dọa cuộc sống của người dân.

Trong quá trình triển khai đề án phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản ghi nhận 10.266 điểm đang có nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Vùng núi phía Bắc có 15 tỉnh, chiếm 28,8% diện tích tự nhiên của cả nước. Khu vực này có địa hình chủ yếu là dãy núi cao, thung lũng sâu, độ dốc lớn, nền địa chất yếu nên thường xuyên bị thiệt hại vì lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

TS Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, các hiện tượng thời tiết bất thường, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa…đã thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ, đe dọa đến an sinh cộng đồng.

Để giảm thiệt hại do lũ quét gây sạt lở đất đá, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều giải pháp đã được đưa vào áp dụng như thiết kế tường chắn, rọ đá, neo đất; cỏ chống xói mòn cùng hệ thống rãnh thoát nước từ trên đỉnh và bề mặt taluy… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Tăng cường công tác cảnh báo

Để cảnh báo đến người dân cũng như khắc phục hiện tượng trượt lở đất đá, Bộ TN&MT đã xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá và bàn giao cho các tỉnh có nguy cơ trượt lở đất đá cao. Đặc biệt, thời gian gần đây, địa phương đã tập trung vào việc lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm cho một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Trong tháng 11/2019, Tập đoàn VNPT và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã khánh thành dự án trung tâm cảnh báo sớm tai biến trượt lở dòng bùn đất, đá tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

TS Nguyễn Quốc Định, Trưởng phòng Địa chất kinh tế và Địa chất tin học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, công trình cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có chức năng thu nhập các dữ liệu từ các trạm thượng lưu, trung lưu, hạ lưu được truyền về Trạm Trung tâm số liệu.

Sau đó Trạm Trung tâm số liệu sẽ xử lý, phân tích dữ liệu để đưa ra nhận định ngưỡng cảnh báo thiên tai (an toàn, có dấu hiệu, có nguy cơ xảy ra, chắc chắn xảy ra) rồi gửi về Cơ quan nghiên cứu (Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản) rồi tới chính quyền địa phương, cơ quan phòng chống thiên tai các cấp. Cuối cùng là gửi thông tin cảnh báo tới người dân.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực được nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm.

Ở góc độ khí tượng thủy văn, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng nhận định, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đang là thách thức lớn đối với ngành khí tượng thủy văn. Nguyên nhân chủ yếu là biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và trái quy luật; trong khi khoa học công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo, cảnh báo chính xác về lượng mưa, yếu tố gây ra lũ và sạt lở đất…

Để các tỉnh miền núi giảm thiệt hại do lũ, sạt lở đất, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đồng bộ các giải pháp như huy động các nguồn lực đầu tư để tăng dày và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc.

Phạm Thu Hà

Bạn đang đọc bài viết Cần đầu tư công nghệ để giảm thiểu trượt lở đất đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới