Thứ sáu, 19/04/2024 02:15 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/08/2019 12:30 (GMT+7)

Các địa phương ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả bão số 3

Theo dõi KTMT trên

Đêm 2/8, bão số 3 đổ bộ vào một số tỉnh ven biển Bắc Bộ và sáng nay (3/8), bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa to đến rất to trên diện rộng. Trong tình hình này, các địa phương chịu ảnh hưởng đang ứng phó với mưa lớn sau bão và bắt tay vào việc khắc phục hậu quả.

Các địa phương ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả bão số 3 - Ảnh 1
Sạt lở đất đá tại Trường tiểu học Trung Lý 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Tính đến thời điểm này, Thanh Hóa là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do bão.

Thông tin từ Thanh Hóa cho hay trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa… đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây nhiều thiệt hại cho nhà cửa, hoa màu.

Tại huyện Mường Lát đã có mưa to đến rất to kéo dài từ đêm 2/8 cho đến sáng 3/8. Mưa lớn khiến lượng nước lũ từ hệ thống sông, suối đổ gây sạt lở đất đá và chia cắt nhiều tuyến đường, nhất là quốc lộ 15C.

Đến 9h sáng 3/8, trong huyện đã có 13 điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 15 C, tuyến giao thông huyết mạch lên thị trấn Mường Lát đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây chia cắt giao thông. Tại bản Na Tao (xã Pù Nhi), nước lũ đã khiến 1 người mất tích.

Huyện đã chỉ đạo huy động lực lượng ở mức cao nhất để vừa ứng phó vừa giúp đỡ các gia đình có nhà bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng; hỗ trợ gia đình người bị nạn.

Các địa phương ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả bão số 3 - Ảnh 2
Mưa lớn khiến nước sông Ka Long (Móng Cái) dâng cao. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tại Quảng Ninh, đêm 2/8, bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tính đến 7h sáng 3/8, mực nước sông Ka Long dâng rất cao, uy hiếp nghiêm trọng một số vùng trũng của thành phố Móng Cái.

Bão số 3 không gây thiệt hại về người nhưng mưa đã làm sạt lở 1 điểm trên quốc lộ 279, làm đổ cây cối ở Móng Cái, Tiên Yên…

Tại huyện Tiên Yên và các địa phương lân cận, do lượng mưa tương đối lớn đã làm nước sông Tiên Yên dâng cao. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Tiên Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức ứng trực tại những khu vực nguy hiểm, ngầm tràn, không cho người dân, phương tiện qua lại. Tại các ngầm tràn đều có barie, người trực đảm bảo an toàn giao thông.

Các địa phương ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả bão số 3 - Ảnh 3
Trên địa bàn TP. Hải Phòng, nhiều cây to gãy đổ ngổn ngang. Ảnh: Báo Hải Phòng

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT thành phố Hải Phòng, do chịu ảnh hưởng bão số 3, sáng 3/8, trên địa bàn Thành phố có mưa to kèm gió mạnh. Bão không gây thiệt hại về người, nhưng khiến 24 cây xanh, 1 cột điện bị gãy đổ, 2 biển quảng cáo cỡ lớn bị hư hỏng.

Hiện các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão gây ra.

Các địa phương ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả bão số 3 - Ảnh 4
Những cành cây gãy, đổ được khẩn trương thu dọn vào vỉa hè trên phố Lương Định Của (quận Đống Đa). Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Sáng 3/8, do ảnh hưởng bão số 3, trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa to nhưng không xuất hiện điểm úng ngập. Trên một số tuyến phố có cây xanh đổ nghiêng, bật gốc hoặc gãy cành... đã được giải tỏa kịp thời.

Để tiếp tục ứng phó với mưa sau bão, 100% lực lượng của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cùng với 200 xe máy, thiết bị cơ giới sẵn sàng tiêu thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã bố trí lực lượng và phương tiện thu dọn cây xanh gãy đổ kịp thời. Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra lưu động trên các tuyến đường, bảo đảm phân luồng giao thông.

Các địa phương ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả bão số 3 - Ảnh 5
Mưa lớn gây ngập nặng ở TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

Tại tỉnh Điện Biên, mưa lớn trong đêm 2 rạng sáng 3/8 đã khiến thành phố Điện Biên Phủ bị ngập nặng, có nơi nước ngập tới 70-80 cm gây ách tắc giao thông.

Theo dõi chặt áp thấp nhiệt đới, khắc phục kịp thời hậu quả bão số 3

Sáng 3/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm DBKTTV Quốc gia, từ ngày 3-4/8, tại Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm/ đợt. Riêng khu vực Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá từ 200-400 mm/đợt. Thủ đô Hà Nội ngày và đêm 3/8 sẽ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm.

Trước diễn biến trên, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, phù hợp với tình hình thực tế đồng thời cử các đoàn chỉ đạo, kiểm tra tình hình mưa lũ, úng ngập và sẵn sàng các biện pháp để xử lý kịp thời khi có các tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, các địa phương ven biển theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới để quyết định bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân; kiểm tra các công trình ven biển, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra.

Chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp chặt chẽ với Trung tâm DBKTTV Quốc gia tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực đến các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mưa lũ, ngập úng, các biện pháp ứng phó đặc biệt là vấn đề an toàn về người và tài sản trước mưa, lũ lớn.

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả bão số 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới