Bộ trưởng Xây dựng: Sẽ có nhà ở xã hội bán với giá 15 triệu đồng/m2
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đang báo cáo Chính phủ để có một chính sách hỗ trợ các nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán khoảng từ 15 triệu đồng/m2.
Theo VTC News, tại phiên chất vấn sáng nay (6/11), đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị. Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, chính sách nhà ở thu nhập thấp đô thị ngày càng khó khăn. Vậy "Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có giải pháp gì, chương trình hành động gì mang tính khả thi để xử lý thống nhất cho giai đoạn 2021-2026", đại biểu Nguyễn Tạo nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, hiện đã xây dựng 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp và 2,3 triệu m2 cho công nhân. Kết quả đạt được rất cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu, mới giải quyết 41,5% yêu cầu.
Bộ trưởng cũng cho biết, yêu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn, theo tính toán đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.
Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển. Chính phủ, Thủ tướng có chương trình riêng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, miễn giảm tiền sử dụng đất, một số loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng cho các dự án nhà ở xã hội. Với địa phương có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội.
Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư, thủ tục, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật, theo quy định cần dành 9.000 tỉ nhưng nay mới được 4.000 tỉ đồng. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội và chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Theo ông Phạm Hồng Hà, giải pháp thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo và nhiều giải pháp đang thực hiện. Trước hết, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích tối thiểu căn hộ 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn. Các địa phương quan tâm đầu tư bố trí quỹ đất, hạ tầng…
“Chúng tôi thấy cần xử lý thêm một số giải pháp căn cơ: Rà soát, bổ sung các quy hoạch, tạo điều kiện cấp phép các dự án; bố trí đủ quỹ đất, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng chưa bố trí đủ, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án. Tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội.
Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỉ đồng rất khan hiếm”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Quy hoạch vị trí nhà ở xã hội phải phù hợp nhu cầu thực tế
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với TTXVN bên lề cuộc họp, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mặc dù vấn đề nhà ở xã hội ở Hà Nội được rất nhiều cử tri quan tâm, nhưng thực tế là nguồn cung khan hiếm và có trường hợp một số dự án nhà ở xã hội xây dựng xong lại không có người ở. Rõ ràng đây là vấn đề khi nhiều người muốn ở lại không có nhà. Như vậy, giữa cung và cầu chưa gặp nhau và nguyên nhân cơ bản là công tác quy hoạch.
Chính sách về nhà ở xã hội cần hướng vào sự thuận lợi cho người ở hay chỉ giải quyết vấn đề hiệu quả. Tôi cho rằng, đây là hai yếu tố rất quan trọng bởi yếu tố xã hội và hiệu quả là khác nhau.
Thứ nhất, người thu nhập thấp là đối tượng không có khả năng di chuyển xa, gần như toàn bộ thời gian họ dành để kiếm sống, khó khăn trong phương tiện đi lại… Nhu cầu của họ là nơi sinh sống và làm việc phải gần nhau, kể cả sinh sống chật hẹp, song thuận tiện cho việc mưu sinh. Thậm chí, nếu cho họ ở những nơi cao cấp hơn, nhưng xa khu làm việc cũng không hấp dẫn vì sẽ mất cơ hội kiếm sống. Nói theo cách khác nơi ở của người thu nhập thấp cần gắn với hoạt động mưu sinh của họ.
Trên thế giới, khu nhà ở cho người thu nhập thấp không quá xa khu vực trung tâm, nhưng lại không phải là vùng có giá trị cao. Tại Hà Nội có thể là những khu vực như quận Hoàng Mai.
Chúng ta nên phát triển khu vực này, dù chính sách hiện nay là mỗi dự án phải dành ra 2% quỹ đất/dự án để phát triển nhà ở xã hội. Bởi các dự án ở khu vực như: Tây Hồ Tây, Ciputra, Vườn Đào… thì người thu nhập thấp khó thể sinh sống do phải trả chi phí dịch vụ cao. Mặc dù không phân biệt người giàu – nghèo, nhưng thực tế nhà dành cho người thu nhập thấp cần được quy hoạch ở vị trí phù hợp và khi đủ điều kiện họ sẽ di chuyển ra khu vực khác.
Theo thống kê của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, hiện nay cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.
Còn theo số liệu khảo sát từ Bộ Xây dựng, hiện cả nước mới chỉ hoàn thành đầu tư xây dựng được 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại KCN, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, qua đó đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Như vậy sẽ còn 72% công nhân lao động thiếu nhà ở, phải giải quyết nhu cầu nhà ở bằng mô hình thuê trọ.
Đơn cử, theo tính toán, tại TP.HCM hiện mới chỉ giải quyết được khoảng 15% nhu cầu nhà ở cho công nhân. Còn tại TP. Hà Nội vấn đề giải quyết nhà ở cho công nhân còn khó khăn hơn, ước tính mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.
Hoài Thu