Thứ sáu, 22/11/2024 16:23 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/03/2020 08:15 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây và Tổng Công ty May 10.

Nhằm tìm hiểu thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, chiều 5/3, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây và Tổng Công ty May 10.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đoàn công tác không chỉ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp dệt may, da giầy do tác động của dịch Covid-19, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời và phù hợp, mà còn tìm hiểu nhận thức của các doanh nghiệp về cơ hội và thách thức thị trường đến từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới được Nghị viện châu Âu thông qua tháng 2 vừa qua.

Cũng tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cho thấy quan điểm không bi quan trước dịch bệnh, bày tỏ sự tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ và Bộ Công Thương.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng khẳng định đang và sẽ bằng mọi cách tự cứu mình, để cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước tiếp tục nỗ lực tìm kiếm cơ hội thị trường nhằm đứng vững qua sóng gió Covid-19.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều trông đợi vào việc EVFTA chính thức có hiệu lực. Đặc biệt, các doanh nghiệp cho rằng đây sẽ là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển trở lại của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoá dệt Hà Tây cho biết, do chủ yếu sản xuất giày lưu hoá (một loại giày vải, đế bằng cao su) nên tỉ lệ nội địa hoá tương đối cao, trên 70%, còn lại là các nguyên phụ liệu nhập khẩu gồm một số PU đặc thù (da để sản xuất giày), vải dệt kẻ, vải in hoa.

Chia sẻ thêm về các đơn hàng khác phải mua nguyên liệu từ Trung Quốc, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, công ty đã chủ động đặt hàng về từ trước Tết Nguyên đán nhưng với tình hình hiện nay Hoá dệt Hà Tây chỉ đủ nguyên phụ liệu để sản xuất đến giữa tháng 3 năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng nhấn mạnh thêm rằng, do sản xuất theo hình thức giao lên tận tàu (FOB) nên công ty đang liên hệ, tìm kiếm nhà cung cấp trong và ngoài nước, đồng thời chủ động đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên liệu.

Tuy nhiên, kết quả chưa rõ ràng bởi giá thành cao hơn, chủng loại nguyên phụ liệu không đa dạng bằng nguồn hàng Trung Quốc. Vì vậy, nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài, công ty sẽ đứng trước nguy cơ phải huỷ đơn hàng, hoặc bị phạt chậm giao hàng.

"Nếu đàm phán được với khách hàng thì có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, khiến chi phí tăng hơn nhiều lần. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ dẫn đến việc phải dừng sản xuất, công nhân không có việc làm", ông Tùng nói.

Còn theo ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, sản phẩm chính của May 10 là áo sơ mi, veston và quần âu; trong đó sản xuất 1,2 triệu áo sơ mi/tháng, mỗi tháng phải sản xuất một nghìn mã hàng. Nhưng do nguồn nguyên liệu đang thiếu rất khó Tổng công ty có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong thời gian tới.

Ông Thân Đức Việt cho hay, do thiếu nguồn cung, có 15 nhà máy trực thuộc Tổng công ty phải nghỉ tới 39 ngày; có nhà máy nghỉ 3 ngày, có nhà máy nghỉ 2 ngày, 1 ngày... Do đó, May 10 phải rốt ráo liên hệ với nhà cung cấp để "ép" chuyển nguyên liệu sang nhằm đáp ứng các dây chuyền sản xuất.

Không những thế, dịch Covid-19 còn khiến May 10 bị gián đoạn sản xuất do vật tư không về kịp theo kế hoạch; không đủ hàng, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động; trực tiếp ảnh hưởng đến công việc, xáo trộn đời sống công nhân.

"Mặc dù nhiều tổ máy gián đoạn sản xuất, nhưng chúng tôi vẫn phải trả lương tối thiểu cho công nhân - đây là bài toán khó của May 10. Bởi, nếu chúng tôi trả lương tối thiểu trong khi các đơn vị khác trả lương cao hơn, chúng tôi mất lao động. Ngành dệt may, nhiều năm trở lại đây là ngày cạnh tranh lao đông khốc liệt nhất," ông Thân Đức Việt thông tin.

Chính vì vậy, tổng doanh thu dự kiến của May 10 trong năm nay sẽ giảm 10%. Riêng quý I doanh thu xuất khẩu cũng có thể giảm 10% so với cùng kỳ. Nếu dịch không kết thúc, khó khăn kéo dài, doanh nghiệp sẽ phá sản.

Chia sẻ với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chủ động của các doanh nghiệp dệt may, da giày thời gian qua, đặc biệt khi doanh nghiệp không vì lý do dịch bệnh mà vẫn duy trì sản xuất kinh doanh đều đặn song song với việc phòng chống dịch, đảm bảo công ăn việc làm đời sống cho người lao động.

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: "Không phải chúng ta đang tự động viên mình, thực tế đã chứng minh những trung tâm dịch vụ lớn đang có dấu hiệu tốt lên. Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19; trong đó có kịch bản tốt (dịch có thể kiểm soát được trong quý I, quý II), kịch bản xấu (cuối năm mới có thể kiểm soát được) và rất xấu (đó là những biểu hiệu cực đoan của dịch)".

Bộ trưởng tin tưởng rằng sẽ không có kịch bản rất xấu xảy ra, chính vì thế, ngành dệt may, da giày phải tính đến ngay câu chuyện hậu dịch bệnh, khai thác các cơ hội, xây dựng kịch bản đánh giá.

Dẫn ý kiến của ông Thân Văn Việt - rằng quý I, doanh thu của May 10 sẽ giảm 10%, Bộ trưởng Công Thương khẳng định: "Nếu kiểm soát tốt, trong quý II, quý III các doanh nghiệp phải bù vào, khai thác tối đa lợi thế của Hiệp định EVFTA, phải thể hiện quyết tâm cao hơn, hướng đến những giải pháp căn cơ sau dịch bệnh, không được để lãng phí, tập trung tìm kiếm nguồn cung mới".

Về phía mình, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đánh giá tác động của dịch bệnh này tới các hoạt động kinh tế - thương mại của Việt Nam và có báo cáo đánh giá tác động, đề xuất hướng xử lý gửi Thủ tướng Chính phủ và một số bộ ngành liên quan cùng phối hợp thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng bên cạnh các giải pháp triển khai ngay trong bối cảnh dịch bệnh, cần tính đến cả kế hoạch hậu dịch bệnh; trong đó yêu cầu then chốt là hoàn thiện cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng và minh bạch để doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lực để đảm bảo doanh nghiệp có điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh và thương mại, giữ thị phần phát triển.

Trong dài hạn, cần định hình lại ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, để doanh nghiệp chủ động nguồn cung trong nước thay vì phụ thuộc nhập khẩu, giữ vững chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, các vấn đề cũng như kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong buổi làm việc hôm nay sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu và đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương doanh nghiệp do Bộ tổ chức dự kiến vào ngày 16/3 tới.

Tại Hội nghị, các nhiệm vụ cụ thể cũng sẽ được giao đến từng đơn vị thuộc Bộ Công Thương để vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời sẵn sàng các giải pháp để báo cáo Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triệt để, có hiệu quả.

Đối với EVFTA, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội, cùng với đó cũng sẽ có kế hoạch thực thi Hiệp định này hiệu quả nhất, đảm bảo hướng đến độ phủ nhận thức trong toàn xã hội và gắn với tối ưu hóa lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.

Uyên Hương

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới