EVFTA: Các giải pháp cần thiết cho vấn đề phòng vệ thương mại
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề phòng vệ thương mại khi Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực.
Ông Lương Hoàng Thái. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Bên lề buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với các Cục, Vụ trực thuộc, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề phòng vệ thương mại khi Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới.
- Khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, theo ông phòng vệ thương mại của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn gì thưa ông?
Ông Lương Hoàng Thái: Theo như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã ký kết và sắp tới hi vọng sẽ được phê chuẩn, sớm đưa vào thực thi, quy tắc dựa vào nguyên tắc thị trường.
Về cơ bản, EU là đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng chống thương mại.
Tuy nhiên, trong hiệp định có một số cơ chế đặc thù là trong thời gian chuyển đổi, nếu như xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt, tăng nhanh quá thì kể cả hai bên đều có khả năng áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời để ngăn chuyện bất ngờ đó.
Chính vì vậy, Việt Nam cần có cơ chế phối hợp để cảnh báo sớm doanh nghiệp tận dụng cơ hội nhưng không làm ảnh hưởng đến việc phá vỡ thị trường của nhau.
Cùng với đó, trong các vụ việc phòng vệ thương mại nói chung, EU từ trước đến nay có quan hệ tương đối tốt đẹp và chặt chẽ nên dù có những vụ việc về phòng vệ thương mại nhưng không nhiều.
Nhưng, sau khi có Hiệp định thương mại tự do sẽ có rủi ro cũng như một số doanh nghiệp có thể lẩn tránh biện pháp EU đang áp dụng với các nước khác.
Bởi hiện nay EU áp dụng rất ít các biện pháp với Việt Nam, trong khi đó với đối tác khác, EU lại có những biện pháp phòng vệ thương mại.
Do vậy, khi Việt Nam thông thương với EU sẽ có rủi ro là một số nước nào đó có thể là doanh nghiệp của họ lợi dụng cơ chế thông thường nên Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với nhau về vấn đề này.
Rất may là trong Hiệp định EVFTA có cơ chế phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan như hải quan, cơ quan về quản lý hành chính để hai bên kiểm soát chặt chẽ hơn.
Việt Nam mong muốn là cơ hội của Hiệp định và doanh nghiệp Việt Nam tận dụng để phát triển chứ không phải là doanh nghiệp nước ngoài vào đây lẩn tránh những quy định của EU.
Điều này dù rất khó nhưng trong Hiệp định có cơ chế hợp tác để làm chuyện đó. Đây là hai nội dung chính mà Việt Nam và EU cần hợp tác với nhau trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
- Với vai trò là Vụ đầu mối trong thực thi Hiệp định EVFTA, xin ông cho biết Vụ Chính sách thương mại đa biên sẽ đề xuất những giải pháp gì để tăng cường phòng vệ thương mại?
Ông Lương Hoàng Thái: Trong Bộ Công Thương có Cục Phòng vệ thương mại là đơn vị đã làm việc rất chặt chẽ với EU từ trước đến nay. Cục Phòng vệ thương mại cũng đã có đề án liên quan đến biện pháp chống gian lận hay lảng tránh thương mại với nhiều thị trường. Vì vậy, thời gian tới,Việt Nam cần tập trung thực thi đối với thị trường EU khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.
Tại cuộc họp về chuẩn bị công tác thực thi Hiệp định EVFTA diễn ra chiều 4/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Cục Phòng vệ thương mại để hoàn thiện đề án này.
Hơn nữa, liên quan đến việc thực thi hướng đến thị trường EU khi Hiệp định có hiệu lực để đảm bảo không có chuyện gian lận là hàng hóa nước khác đi vòng qua Việt Nam để tận dụng cơ chế của Hiệp định.
- Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề tuyên truyền nhận thức với các Hiệp hội ngành hàng và bản thân các doanh nghiệp về Hiệp định EVFTA sẽ như thế nào?
Ông Lương Hoàng Thái: Việc tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định đã được thực hiện trong thời gian kể từ khi Hiệp định được đàm phán đến khi ký kết và hiện cũng đang được tiếp tục. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa thông tin tới doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng vừa chỉ đạo các đơn vị tận dụng ngay hệ thống hiện có như website Bộ Công Thương đã xây dựng riêng cho Hiệp định. Bởi đây là nguồn thông tin ban đầu mà tất cả mọi người đều có thể truy cập.
Đây cũng là những thông tin thiết thực, được xây dựng một cách đơn giản, dễ hiểu để doanh nghiệp có thể tận dụng được ngay những ưu đãi của Hiệp định. Chẳng hạn như yêu cầu của EU xuất xứ như thế nào, khai mẫu ra sao hay cách thức nộp hồ sơ…để ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực doanh nghiệp có thể đáp ứng kịp thời những quy định này
Mặt khác các thông tin nói trên, là những tài liệu hướng dẫn để hiểu về những hàng rào kỹ thuật của thị trường EU cũng như quy định để tiếp cận được với thị trường đó. Thông tin thị trường sẽ được Bộ thúc đẩy trong thời gian tới.
Đặc biệt, thông qua truyền thông báo chí để có thể nhân rộng ra những đối tượng chung trong xã hội cũng có thể nắm được những quy định cơ bản của Hiệp định EVFTA.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Uyên Hương