Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền'
Sáng nay (12/6), trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, nguyên tắc của việc thu phí tiền rác là không đổ đồng, không đánh đều bình quân.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí sáng 12/6. (Ảnh: Vietnamnet) |
“Lâu nay chúng ta thu rác vẫn đánh đồng bình quân từ 10.000 - 20.000 đồng. Không thể tính thế này mãi mà cần tính bằng khối lượng, thể tích”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy việc tính khối lượng rác không phải cân đong từng lần xả rác của người dân, mà các nước sản xuất bao bì đựng rác với màu sắc cho từng loại rác để tính thể tích. Tiền xử lý rác tính vào tiền mua bao bì. Người dân càng xả nhiều rác thì càng phải mua nhiều bao bì loại này.
“Điều này không cần thiết phải đưa vào luật mà chỉ cần đưa vào quy định là được. Chúng ta cũng có thể cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư. Nguyên tắc là không tính tiền xử lý rác bằng cách đổ đồng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trả lời về khả năng thực thi những vấn đề này khi đại bộ phận người dân vẫn có thói quen vứt rác bừa bãi, ông Trần Hồng Hà cho rằng điều này là cả một thách thức lớn.
"Hàn Quốc mất khoảng 10 năm mới thực hiện được chính sách này. Còn ở Việt Nam, muốn chính sách khả thi thì phải phù hợp với thực tế và có giải pháp đồng bộ từ người dân đến đơn vị thu gom, xử lý rác. Nếu người dân ủng hộ sẽ thành công", ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích, khi áp dụng chính sách trên, người dân chỉ trả tiền (mua bao bì) cho những loại rác phải đầu tư để xử lý, còn với các sản phẩm như giấy, chai lọ, đồ nhựa... thì người dân không phải trả tiền. Qua đó xây dựng ý thức phân loại rác ở từng hộ dân.
Cơ quan chức năng sẽ tiến tới quy định doanh nghiệp phải cam kết trách nhiệm tái chế rác liên quan đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Người dân dùng xong sản phẩm, phân loại rác như chai lọ, đồ nhựa... để doanh nghiệp thu gom lại và sẽ được trả lại một phần chi phí đã tính vào giá thành sản phẩm lúc bán ra.
Cũng theo người đứng đầu ngành tài nguyên, nhận thức của người dân hiện nay đã có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp các chính sách.
“Thế giới đang kêu gọi thay đổi nền kinh tế nhựa, chuyển đổi từ kinh tế nhựa, sao cho tái chế, tái sử dụng hoặc được sử dụng nhiều lần, nâng vòng đời của đồ nhựa được lâu hơn. Đồ nhựa không phải là vấn đề mà là đồ nhựa sử dụng một lần và không tái chế", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và nhấn mạnh, quan điểm của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sắp tới là sẽ tăng hình thức xử phạt đối với người xả thải ra môi trường. Thậm chí, sẽ áp dụng khung cao nhất.
Đối với việc thanh tra các doanh nghiệp sẽ không theo kế hoạch có trước mà sẽ đột xuất, theo thông tin được phản ánh ở thời điểm đó.
(Ảnh: WWF) |
Về lo ngại nếu áp dụng chính sách trên, chi phí xử lý rác của người dân sẽ tăng lên, ông Hà nói Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần, trên nguyên tắc đảm bảo lợi nhuận tối thiểu để xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào khâu vận chuyển, xử lý rác.
Về lâu dài, ông Hà cho rằng phải xác định rác là tài nguyên và cần xây dựng ngành công nghiệp xử lý chất thải. Nhà đầu tư vào lĩnh vực này phải có năng lực, công nghệ và được đảm bảo có lợi nhuận.
Trước đó, thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo nghiên cứu của Việt Nam, 40% chất thải là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, trong luật trình Quốc hội lần này đã quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên.
Để sử dụng loại tài nguyên, theo ông Hà, có 2 yếu tố tiên quyết là việc phân loại rác từ đầu nguồn và công nghệ xử lý rác không chôn lấp. Tức là từ khâu phân loại thu gom của người dân cho tới khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo luật cũng xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”, ông Hà nói.
Ông Hà cũng giải thích, trước mắt và hiện tại, người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhà nước sẽ chi trả phần chính. Tuy nhiên, khi đời sống người dân tăng lên, sẽ điều chỉnh dần dần để người dân trả cả chi phí này.
Ngày 18/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình ra Quốc hội, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 4 loại: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, đồng thời có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải, và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. |
Mai Anh