Thứ sáu, 22/11/2024 21:01 (GMT+7)
Thứ hai, 20/07/2020 16:44 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định 5 cấp độ rủi ro thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định 5 cấp độ rủi ro thiên tai - Ảnh 1
(Ảnh minh họa)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai nhằm thay thế Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 44/2014/QĐ-TTg cho thấy quy định cấp độ rủi ro thiên tai đã góp phần phân định tính chất, mức độ thiệt hại có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. Các địa phương đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro để chủ động trong công tác phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đặc biệt là giảm thiệt hại về người, tài sản, các công trình cơ sở hạ tầng,… và kịp thời di dân, tài sản đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg đã phát sinh một số bất cập như tại khoản 2 Điều 18 Luật Phòng, chống thiên tai quy định cấp độ rủi ro thiên tai được xác định dựa trên tiêu chí a) cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai; b) phạm vi ảnh hưởng; c) khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường… Tuy nhiên tiêu chí thứ 3 phụ thuộc và khả năng ứng phó tùy từng khu vực, từng địa phương, do sự phát triển của kinh tế xã hội nên yếu tố này luôn luôn biến động vì vậy quy định cấp độ rủi thiên tai tại một số nơi đã không còn sát với thực tế.

Bên cạnh đó, quy định cấp độ rủi ro thiên tai của một số loại thiên tai chưa được chi tiết cho các khu vực, ảnh hưởng đến việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai, khó vận dụng trong quá trình thực hiện và khó khăn trong phân công, phân cấp trách nhiệm chỉ đạo, ứng phó.

Cấp độ rủi ro thiên tai được quy định áp dụng chung cho cả nước. Đối với một số loại hình thiên tai cần được chi tiết hóa theo đặc trưng của từng vùng, từng địa phương.

Nhằm thực hiện quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, đồng thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc nói trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg trên cơ sở những quy định cũ và bổ sung, quy định chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai cho các khu vực là cần thiết.

Tại dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai: Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là thảm họa.

Tại dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới bão được phân thành 3 cấp (từ cấp 3 đến cấp 5). Các tiêu chí để phân cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới là cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới căn cứ vào sức gió mạnh nhất (tính bằng cấp gió Bô - pho), khu vực chịu ảnh hưởng (Biển Đông, vùng biển ven bờ, đất liền các khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên) và khả năng gây thiệt hại của áp thấp nhiệt đới, bão đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường.

Rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá được phân thành 2 cấp (cấp 1 và cấp 2). Tiêu chí để phân cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá căn cứ vào phạm vi ảnh hưởng của lốc, sét, mưa đá (trên phạm vi rộng, nhỏ); khả năng gây thiệt hại của lốc, sét, mưa đá đến tính mạng, tài sản, sản xuất và môi trường.

Rủi ro thiên tai do mưa lớn được phân thành 4 cấp (từ cấp 1 đến cấp 4). Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn phụ thuộc vào lượng mưa trong 24 giờ hoặc 12 giờ (phân theo các ngưỡng lượng mưa, trên 400 mm, từ 200 đến 400 mm, trên 100 đến 200 mm và từ 50 mm đến 100 mm), diện mưa và thời gian kéo dài đợt mưa lớn (từ 1 đến 4 ngày); khu vực xảy ra mưa lớn và khả năng mưa lớn gây thiệt hại đến đời sống, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường….

Nửa đầu năm 2020, thiên tai gây thiệt hại hơn 3.300 tỉ đồng

Theo thống kê trong 6 tháng, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (54.793ha thiệt hại do hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long; 16.956ha bị thiệt hại do hạn hán tại Nam Trung Bộ; 36.643ha bị thiệt hại do mưa lớn, dông lốc); 7.955 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỉ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mùa mưa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so trung bình nhiều năm và phức tạp hơn.

Sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định 5 cấp độ rủi ro thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới