Bộ Tài Chính nói gì về việc xăng dầu tăng 'chóng mặt'
Bộ Tài chính khẳng định, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới.
Xăng dầu Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung
Bộ Tài chính vừa có văn bản do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ký trả lời kiến nghị của cử tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội) liên quan đề nghị nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế và phí cho phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân.
Văn bản nêu diễn biến giá xăng dầu trong thời gian gần đây. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục thay đổi khó lường, trong đó có những đợt tăng, giảm với biên độ khá lớn.
Trong nước, để giảm thiểu ảnh hưởng do sự biến động giá xăng dầu trên thế giới đối với giá xăng dầu trong nước, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu.
“Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính đã 7 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (cả tăng và giảm), để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới”, Bộ Tài chính thống kê.
Phân tích rõ hơn về chính sách, cơ cấu thuế, phí và yếu tố cấu thành trong công thức giá, Bộ Tài chính cho biết các sắc thuế áp dụng với mặt hàng xăng, dầu gồm: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho rằng so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước khoảng 45-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mở lớn thì thấp hơn).
Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này chỉ chiếm 5-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.
Bộ Tài chính nhấn mạnh giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được sử dụng hợp lý, giúp công tác điều hành giá trong nước tăng/giảm ở mức độ phù hợp, không đột biến.
Qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, Bộ Tài chính khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, giá xăng của Trung Quốc là 26.622 đồng/lít; Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là là 26.184 đồng/lít.
Khó kìm đà tăng giá xăng dầu
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, nhấn mạnh do dư địa điều hành giá xăng dầu không còn nhiều nên khó có thể kìm đà tăng của giá xăng dầu trong nước. Theo ông Long, Quỹ bình ổn đã liên tục "xả"; các công cụ về thuế cần có thời gian để xem xét, cấp có thẩm quyền quyết định. Mặt khác, giá xăng dầu trong nước phải tăng theo diễn biến giá thế giới thì các doanh nghiệp kinh doanh mới bán ra, giải quyết tình trạng "găm hàng" như thời gian qua.
Phân tích thêm về công cụ thuế phí, ông Ngô Trí Long chỉ rõ cơ cấu giá xăng dầu gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường cao nhất với 4.000 đồng/lít. Trong cơ cấu 4 loại thuế này, về lâu dài, có thể xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng cần rà soát lại các loại thuế, từ đó điều chỉnh để bình ổn giá mặt hàng quan trọng này.
Trước đề xuất trên, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho biết bộ đã chủ động theo dõi diễn biến thị trường thế giới để tham mưu các giải pháp điều hành giá phù hợp, trong đó có yếu tố thuế. Tuy nhiên, việc này cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, hiện thuế bảo vệ môi trường đã giảm 30% đối với nhiên liệu bay, do các hãng hàng không bị tác động nặng nề vì dịch Covid-19. Đối với các ngành, lĩnh vực khác, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi.
Chiều 21/2, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự ở mức 960 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít. Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít), và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp mức "đỉnh" được lập vào tháng 7/2014 khoảng 110 đồng/lít.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu dầu hoả là 19.500 đồng/lít, tăng 750 đồng; dầu diesel là 20.800 đồng/lít, tăng 940 đồng; dầu madut là 17.930 đồng/kg, tăng 280 đồng.
Hà Lan (T/h)