Thứ sáu, 22/11/2024 14:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/03/2022 07:11 (GMT+7)

Bộ Tài chính 'chốt' đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính 'chốt' đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu - Ảnh 1
Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, cơ quan này đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.

Từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân là 2.661 tỷ đồng/tháng).

Theo Bộ này, nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4 thì số giảm thu ngân sách Nhà nước sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 3/3, Bộ Tài chính đã gửi công văn lấy ý kiến các Bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết nói trên. Phương án lúc đố Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 1.000 đồng, các loại giầu, mỡ giảm 500 đồng/lít.

Dù việc giảm thuế bảo vệ môi trường có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước, nhưng Bộ Tài chính cho rằng: Việc giảm thuế sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng xăng, dầu, giảm giá bán và hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ổn định lạm phát.

Đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm thuế bảo vệ môi trường như trên góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi giá dầu thô tăng cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng phù hợp với các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế này và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như các cam kết quốc tế về môi trường.

Sau đó, một số cơ quan như Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi công văn phúc đáp và đánh giá cao đề xuất của cơ quan soạn thảo về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Tuy vậy, các cơ quan này đề xuất giảm mức thuế mạnh hơn.

“Chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3/6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022”- VCCI đề xuất.

Giảm thuế bảo vệ môi trường thấp, ít ý nghĩa

Bộ Tài chính 'chốt' đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu - Ảnh 2
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dư địa giảm thuế xăng dầu hiện vẫn còn. Chẳng hạn, thuế bảo vệ môi trường có thể giảm tới 4.000 đồng/lít hoặc giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đặc biệt là đang ưu tiên dành cho chương trình phục hồi kinh tế, mức giảm trên cũng là nỗ lực của các Bộ, ngành.

Để tránh tăng giá sốc, ông Long cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát và cân đối lại nguồn thu xem những lĩnh vực nào còn tiềm năng mà chưa khai thác hết có thể tận dụng để bù đắp phần thiếu hụt từ xăng dầu.

Giảm 1.000 đồng thuế chưa đủ sức để giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường này chưa đủ sức để giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh. Qua đó, mặt bằng giá cả thị trường sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

Bộ Tài chính 'chốt' đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu - Ảnh 3
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

“Dư địa giảm vẫn còn nhiều, theo tôi, Chính phủ và Quốc hội cần xem xét cẩn trọng. Nếu giảm thuế một cách hợp lý, sản xuất sẽ được thúc đẩy, doanh nghiệp “hồi sinh” sau những ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, làm như thế đời sống người dân sẽ được cải thiện rõ rệt. Bộ Tài chính không nên chỉ nhìn vào việc giảm thuế 1.000 đồng/lít thì ngân sách giảm thu khoảng 14.000 tỷ đồng. Vấn đề quan trọng hơn là khi giảm thuế, chi phí sản xuất, kinh doanh sẽ giảm; doanh nghiệp, người dân sẽ được tiếp sức. Đây mới là vấn đề toàn xã hội mong chờ”, ông Phú nhấn mạnh.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính 'chốt' đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới