Thứ sáu, 22/11/2024 16:41 (GMT+7)
Thứ hai, 12/09/2022 20:31 (GMT+7)

Bỏ khung giá đất và những vấn đề đặt ra với thị trường bất động sản

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay đang dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, Ban soạn thảo đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể.

Cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường

Theo các chuyên gia, việc bỏ khung giá đất là cần thiết đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cụ thể cần phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và cần được cập nhật hằng năm. Phải có quy định về việc đăng ký và cập nhật giá đất hằng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp.

Bỏ khung giá đất và những vấn đề đặt ra với thị trường bất động sản - Ảnh 1

Việc xác định giá đất cụ thể cần phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai. (Ảnh minh họa)

Đây là cuộc cách mạng, thay đổi về tư duy quản lý từ biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường. Cần có quyết tâm chính trị cao để có thể xóa bỏ cơ chế xin - cho, các yếu tố tính cá nhân, bởi đây là những rào cản, động chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều đối tượng.

GS.TS Cường khuyến nghị cần phân định giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai, cập nhật giá đất hàng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp, bổ sung thu hồi đất do vi phạm về Luật Đất đai.

Cùng với đó, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có ý kiến về việc định giá đất, thẩm quyền định giá đất, việc chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, thu hồi và bồi thường tái định cư cùng các khuyến nghị khác về xây dựng cơ sở dữ liệu số đưa thông tin giá và thuế đất, cập nhật cho từng thửa đất, bổ sung quy định về tái điều chỉnh đất đai với sự đồng thuận của người sử dụng đất, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với doanh nghiệp…

Áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp

Bỏ khung giá đất và những vấn đề đặt ra với thị trường bất động sản - Ảnh 2
GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khung giá đất được đặt ra nhằm mục đích quản lý giá đất trên toàn bộ thị trường, làm căn cứ để khống chế bảng giá đất của các địa phương, xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Trong khung đó có giá tối thiểu và giá tối đa, tức giá sàn và giá trần. Điều đó, buộc các địa phương không được quy định giá đất ngoài khung. Nhưng sự thực thì kể từ khi có khung giá đất đến nay vẫn chưa làm trọn vẹn mục đích này.

“Luật Đất đai 2013 quy định giá đất trong khung phải ngang bằng với giá thị trường nhưng trên thực tế chỉ bằng khoảng 30-70% giá thị trường, kể cả đất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp. Nhất là nghịch lý đối với đất tại đô thị cũng chỉ bằng 30% giá đất thị trường.

Ví dụ, như giá đất khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, hay tại TP.HCM như đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... giá đất thị trường khoảng 1-1,2 tỷ đồng/m2.

Nhưng trong khung bảng giá Nhà nước lại chỉ quy định khoảng hơn 200-250 triệu đồng/m2. Như vậy nó tạo ra khoảng cách rất lớn giữa giá đất của thị trường với giá của Nhà nước, chính điều này có tác hại làm cho giá đất của các địa phương không thể phù hợp với thị trường”, GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định.

Khi đã có khoảng cách về giá trong bối cảnh cơ chế thị trường thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó lớn nhất là vấn đề trục lợi, tham nhũng đất đai. Việc giao đất và cho thuê đất hiện nay vẫn lấy giá đất ở trong khung nhân với hệ số, được gọi là hệ số điều chỉnh theo thị trường, GS.TS Đặng Hùng Võ cho hay.

Nhưng hệ số ở tất cả các tỉnh chỉ từ 1,5-2. Hay nói cách khác, nếu giá đất trong khung chiếm 30% giá đất thị trường, nhân đôi thì cũng chỉ chiếm 60%, trong khi đó ai cũng biết giá đất thị trường là bao nhiêu, ai cũng hiểu độ chênh lệch là bao nhiêu. Đây là nguyên nhân dẫn đến thất thoát từ khung giá đất thấp.

Bên cạnh đó, khung giá đất và bảng giá đất thấp hơn thị trường thì thu thuế về đất đai sẽ giảm. “Giả sử giá đất Nhà nước chỉ bằng 30% giá đất thị trường, như vậy chỉ thu được 30% tiền thuế so với thực tế. Ở các nước, tính thuế đất phải thu theo giá thị trường. Nhưng của ta là thu theo khung Nhà nước, dẫn đến chỉ thu được 1/3, còn 2/3 là thất thoát.

Mặt khác, một hệ lụy nữa là nếu bảng giá đất của UBND cấp tỉnh thấp hơn thị trường thì chắc chắn người thực hiện giao dịch sẽ ghi trên hợp đồng một mức giá thấp hơn giá Nhà nước để trốn thuế. Thực tế họ giao dịch bằng giá thị trường nhưng trên hợp đồng lại ghi mức giá trong khung. Khi hợp đồng vô hiệu, đáng lẽ người bán nhận được rất nhiều thì bây giờ chỉ nhận được giá theo hợp đồng”, GS.TS Đặng Hùng Võ phân tích.

Bỏ khung giá đất và những vấn đề đặt ra với thị trường bất động sản - Ảnh 3
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội đề xuất việc xác định giá đất cụ thể cần phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

Theo ông Tuyến, căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình cơ quan quản lý giá đất cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm người đứng đầu cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.

Bỏ khung giá đất và những vấn đề đặt ra với thị trường bất động sản - Ảnh 4
GS.TS Hoàng Văn Cường.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, việc bỏ khung giá đất, áp dụng bảng giá sát với giá thị trường sẽ giúp xóa bỏ cơ chế xin - cho, xóa bỏ việc lồng ghép lợi ích cá nhân vào. Đây sẽ là yếu tố chịu sức cản lớn bởi động chạm rất nhiều, nhiều người liên quan đến lợi ích đất đai, do đó đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao để thực hiện được.

Để đưa quy định này triển khai hiệu quả trong thực tiễn, trước hết tôi kiến nghị phải phân biệt rõ giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai. Giá cả thị trường thì vô cùng khó nắm bắt, nhưng giá trị thị trường thì khá ổn định và xác định được, đó là giá trị mang lại của đất. Khi mua bán trên thị trường, tùy thuộc vào thời điểm, nhu cầu của người mua, người bán, giá có thể dao động, nên giá cả thị trường thì biến động liên tục, còn giá trị thì ổn định. Do đó, trong Luật Đất đai (sửa đổi) nên xác định bảng giá phải sát giá trị thị trường, không phải giá cả thị trường.

5 năm tới sẽ có hệ thống định giá đất mới

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, năm 2025, Việt Nam sẽ có cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có bản đồ về giá đất. Khi hoàn thành xong việc đo đạc, các thửa đất đều được thể hiện trên bản đồ địa chính, gắn với giá đất thu thập hàng ngày. Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới. Còn hiện nay chúng ta phải kết hợp các phương pháp định giá đất như so sánh, thặng dư, thu nhập, chiết trừ và hệ số.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: “Chúng ta sẽ hướng tới việc xây dựng bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất, ở đó sẽ có những thông tin, dữ liệu về giá của tất cả các giao dịch thông qua sàn đấu giá, đấu thầu… Khi có bản đồ này thì đây sẽ là giá thực, đầy đủ thông tin nhất về giá của từng thửa đất được giao dịch”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Bỏ khung giá đất và những vấn đề đặt ra với thị trường bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới