Bộ GTVT: Thông tư mới về phòng ngừa, khắc phục thiên tai trong đường sắt
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGTVT quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; ứng phó sự cố và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt.
Thông tư gồm 4 Chương, 27 Điều, áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt trên đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10, thay thế các Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11/1/2010 và Thông tư số 28/2017/TT-BGTVT ngày 29/8/2017 của Bộ GTVT. Cụ thể, về công tác phòng ngừa được hướng dẫn như sau:
- Thường xuyên kiểm tra, chặt cây, dãy cỏ, nạo vét khơi thông, sửa chữa rãnh dọc, rãnh đỉnh, thoát nước ngầm, thoát nước nền đường bảo đảm khả năng thoát nước khi xảy ra mưa lũ;
- Tạo độ dốc lề đường cho nước chảy vào rãnh hoặc xuống mái dốc phía dưới, tạo độ dốc liên tục cho rãnh đổ dồn nước vào hố thu và thoát ra khỏi phạm vi đường;
- Xử lý ta luy, nền đường đào để chống sạt lở; bạt, san lấp tạo mặt phẳng độ bền vững và khả năng thoát nước cho bề mặt ta luy, chặt bỏ cây mọc trên đỉnh ta luy. Xử lý mạch nước ngầm thoát ra mặt ta luy (nếu có).
Tại những vị trí nền đường xung yếu, thực hiện các biện pháp gia cố để tăng cường ổn định, bền vững.
Cũng theo Thông tư, việc khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với đường sắt, cầu, cống, hầm đường sắt, kè, tường chắn ảnh hưởng trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu theo 2 bước.
Bước 1: Tính từ thời điểm có công điện phong tỏa khu gian, cấm tàu chạy do lụt, bão, sự cố, thiên tai, tai nạn đến khi có công điện trả tốc độ từ ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt. Bước này gồm hai giai đoạn:
a) Giai đoạn 1: Sửa chữa công trình để thông xe chạy tàu tốc độ 5 km/h bảo đảm ổn định, an toàn. Thời gian tính từ thời điểm sau khi có lệnh phong tỏa khu gian đến thời điểm thông xe chạy tàu tốc độ 5 km/h.
b) Giai đoạn 2: Gia cố, khôi phục công trình để chạy tàu tốc độ ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt, bảo đảm ổn định, an toàn.
Sau khi chạy tàu với tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt, tổ chức triển khai ngay các nội dung để thực hiện bước 2.
Bước 2: Cải tạo, khôi phục, nâng cấp công trình để bảo đảm ổn định lâu dài và chạy tàu theo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ chạy tàu trong khu gian.
Ngoài ra, còn một số nội dung chi tiết khác trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt.
Hà Nam