Bộ Công Thương và EVN giải đáp thắc mắc về giá điện và hóa đơn điện
Đại diện lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã có buổi tọa đàm trực tuyến để làm rõ hơn những thắc mắc liên quan đến giá điện.
Không tự tăng giá điện
Trả lời câu hỏi tại tọa đàm về việc ngành điện lực trong thời gian qua có tăng giá điện hay không và ngành điện hỗ trợ người dân do ảnh hưởng dịch Covid-19 như thế nào, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định: “Từ lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào ngày 22/3/2019, đến nay chưa có sự điều chỉnh giá điện”.
Vừa rồi, theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng.
Cùng với gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ, việc hỗ trợ tiền điện này sẽ giúp đỡ phần nào khó khăn cho người dân ngay trong mùa dịch.
Trong thời gian qua, nhiều ý kiến trên các mạng xã hội đưa ra việc tháng 4 vừa rồi, hóa đơn điện đã tăng 15%, mà chưa nhận thấy mức giảm giá 10% như trên. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện là 3 tháng.
Cụ thể, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng của khách hàng có chu kỳ bắt đầu trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 (xác định theo kỳ ghi chỉ số hàng tháng của đơn vị điện lực) sẽ được thực hiện giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020; đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp...): thực hiện từ kỳ hoá đơn gần nhất kể từ ngày 16/4/2020.
Như vậy, nếu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, thì tiền điện sẽ được giảm từ kỳ hóa đơn tháng 5/2020.
Cùng chia sẻ về vấn đề có tăng giá điện hay không, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, giá điện, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ 2019 của Bộ Công Thương. Khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website.
Do vậy, không thể có chuyện EVN tự sửa hóa đơn điện của khách hàng. Hóa đơn là theo mức tiêu thụ điện, chốt chỉ số đúng ngày, cũng như tuân thủ theo đúng quy định. Nếu có bất cứ thông tin nào nói chỉ số sai, người dân cần thông báo ngay để EVN phúc tra làm rõ, lãnh đạo Tập đoàn EVN cho hay.
Đại diện EVN cho biết thêm, trên mạng xã hội mấy ngày qua đưa lại thông tin năm 2019; trong đó cho rằng EVN đã tự ý sửa hóa đơn tiền điện của khách hàng và gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Thời điểm đó EVN, Bộ Công Thương, các chuyên gia đã có những lý giải và báo cáo Thủ tướng. EVN bán điện theo biểu giá được Nhà nước quy định.
Hoạt động công khai minh bạch
Hiện nay, cả nước đang bước vào thời điểm nắng nóng, do vậy, ngành điện cũng đã có nhiều cảnh báo và khuyến nghị về việc sử dụng điện của các hộ gia đình.
Theo EVN, nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ thì tiêu thụ điện tăng từ 2 – 3% tuỳ từng loại điều hoà sử dụng. Nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Thời tiết càng nóng, càng dùng nhiều điều hoà thì tiền điện càng cao.
Bên cạnh đó, nhiệt độ ngoài trời tăng, đương nhiên sử dụng thiết bị điện quạt máy, điều hoà, tăng. Đây là những thiết bị chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Theo nghiên cứu, tiêu thụ điện của điều hòa chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Từ tháng 4, cả nước bước vào mùa khô, nắng nóng nên lượng tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh EVN, việc khách hàng cho rằng, ngành điện tự điều chỉnh công tơ như trên các mạng xã hội cũng là không đúng.
Mỗi công tơ điện trước khi được đưa vào thị trường để vận hành thương mại phải được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua, phê duyệt mẫu và chất lượng. Hệ thống đo đếm hoàn toàn chuẩn mực. Bên cạnh đó, theo Thông tư 07 của Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng, công tơ từ 5 – 6 năm sẽ phải đi kiểm định lại toàn bộ. Hàng năm, Sở Công Thương các tỉnh đều tổ chức đoàn kiểm tra xác xuất, quản lý toàn bộ hệ thống, không có công tơ nào quá hạn.
“Trong trường hợp công tơ nếu bị tác động thì cơ quan quản lý sẽ nắm được ngay vì thường xuyên kiểm tra, có niêm phong, có tem kiểm định. Trong quá trình thu thập chỉ số công tơ, nếu có bất kỳ thay đổi tăng giảm bất thường thì nhân viên sẽ kiểm tra lại tất cả chỉ số và sẽ phát hiện ra có bị can thiệp hay không. Tóm lại. hệ thống đo đếm điện hiện nay được quản lý rất chặt chẽ, không thể tác động can thiệp”, ông Dũng khẳng định.
Từ 21/2/2019, EVN đã thực hiện cung cấp điện cấp độ 4, người dân ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể tiếp cận các dịch vụ điện trực tuyến, không cần phải đến tận nơi các trung tâm giao dịch, chăm sóc khách hàng để thực hiện các dịch vụ điện.
“Bản thân ngành điện đang hướng tới việc điện tử hoá toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh điện, hướng tới một Tập đoàn hoạt động công khai, minh bạch, hiện đại. Thời gian tới, nhiều giải pháp công nghệ sẽ tiếp tục được ứng dụng, triển khai, Tập đoàn sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ, đảm bảo toàn bộ người dân Việt Nam luôn có dịch vụ điện lực với chất lượng ngày càng tốt hơn...”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, hàng năm Bộ Công Thương đều có tổ liên ngành kiểm tra tất cả các khâu phát điện, phân phối… để tổng hợp báo cáo, họp báo và thông tin số liệu một cách rộng rãi, minh bạch. Khách hàng hoàn toàn dễ dàng tìm thông tin họp báo. Tất cả chi phí sản xuất cấu thành giá điện sẽ được đưa vào; còn những chi phí khác bạn đọc nêu như: lỗ do đầu tư ngoài ngành, xây dựng các công trình phúc lợi thì bị loại trừ, không tính vào giá điện.
Đức Dũng