Thứ hai, 25/11/2024 02:09 (GMT+7)
Thứ tư, 21/09/2022 10:55 (GMT+7)

Bộ Công Thương sẽ vẫn giữ quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Công Thương , nếu hủy bỏ quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ gây lãng phí và khó khăn về sau.

Chỉ đang tạm dừng chứ không bỏ

Quan điểm này được Bộ Công Thương nhấn mạnh khi phúc đáp tỉnh Ninh Thuận mới đây, trước kiến nghị giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Bộ Công Thương cho hay, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, bộ này đã lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan và tổng hợp báo cáo gửi Thủ tướng. Trong đó, quan điểm của Bộ Công Thương là việc huỷ các quyết định quy hoạch địa điểm xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 tại thời điểm này là “chưa phù hợp” do mới chỉ có chủ trương tạm dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ Công Thương sẽ vẫn giữ quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh 1
Bộ Công Thương sẽ vẫn giữ quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Việc huỷ quy hoạch địa điểm sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và khó khăn nếu như sau này các cấp có thẩm quyền chấp thuận việc tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2”, Bộ Công Thương lập luận đồng thời thông tin rằng “đã kiến nghị Thủ tướng duy trì hiệu lực các quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”.

Về việc ổn định sản xuất, đời sống nhân dân vùng dự án, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt theo hướng không thay đổi chức năng sử dụng đất nhưng cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, cho phép người dân cải tạo xây mới nhà ở với các chỉ tiêu quy hoạch phù hợp các đồ án đã duyệt. Cùng với đó, cho phép cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, cấp thoát nước, vệ sinh đảm bảo đồng bộ, liên thông.

Trước đó, trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát. Nhưng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam ra sao cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng. "Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp", Uỷ ban Kinh tế nhận xét.

Nhiều quốc gia quay sang điện hạt nhân

Ðơn cử, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa thông báo kế hoạch khởi động lại nhiều nhà máy hạt nhân không hoạt động và xem xét phát triển các lò phản ứng thế thệ mới. Chính phủ nước này cũng cân nhắc kéo dài tuổi thọ hoạt động của các lò phản ứng hiện có. Ông Kishida cho biết sự thay đổi này là vì tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc chi phí năng lượng tăng cao khiến Nhật phải thay đổi chính sách đối với năng lượng hạt nhân. Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Kishida cam kết sẽ mở lại ít nhất 9 lò phản ứng trước mùa đông năm nay.

Từ sau khi trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3-2011 gây ra sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện Fukushima Daiichi, Nhật đã đóng cửa hầu hết các lò phản ứng hạt nhân. Nước này sau đó cũng tuyên bố sẽ không xây dựng lò phản ứng mới. Vì vậy, động thái mới này được xem là bước ngoặt của đất nước Mặt Trời mọc.

Mặt khác, trong bối cảnh đất nước đứng trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng, người Nhật bắt đầu bớt quan ngại về điện hạt nhân hơn. Cuộc thăm dò do Yahoo Japan thực hiện hồi tháng 7 cho thấy 74% người được hỏi đồng ý rằng các nhà máy hạt nhân cần phải hoạt động trở lại. Chỉ một thập kỷ trước, trên 80% người dân không muốn phát triển năng lượng nguyên tử ở Nhật Bản. Ðược biết, Nhật hiện phải nhập khẩu 98% nhiên liệu và đang đối mặt với một mùa đông đầy bất trắc khi khí hóa lỏng (LNG) tăng giá mạnh, còn quan hệ với Nga - nước cung cấp 9% lượng LNG cho Tokyo - đã xấu đi nghiêm trọng vì cuộc xung đột tại Ukraine.

Giống như Nhật, Trung Quốc - nước cũng tạm hoãn các dự án điện hạt nhân mới sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima - hiện có ít nhất 52 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng hoặc thiết kế, nghĩa là còn nhiều hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới, chưa kể 150 lò phản ứng nữa trong kế hoạch. Trung Quốc dự kiến tăng công suất điện hạt nhân thêm 40% so với hiện nay, lên mức 70GW vào năm 2025.

Tương tự, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy điện hạt nhân chiếm 30% sản lượng năng lượng chung vào năm 2030 để tăng cường an ninh năng lượng và đáp ứng tốt hơn các mục tiêu trung hòa carbon. Ngoài việc cho xây dựng 2 lò phản ứng và gia hạn thời gian vận hành của 1 lò khác, Tổng thống Yoon Seok Yeol cũng đặt mục tiêu bán được 10 nhà máy cho các nước khác tới năm 2030.

Trước xu hướng tìm đến điện hạt nhân, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Alvin Tan hồi tháng 4 đề xuất trước quốc hội về việc quay trở lại điện hạt nhân trong tương lai. Trước đó một tháng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này, với mục đích giảm dần các nhà máy nhiệt điện dùng than và đạt mục tiêu giảm phát thải khí carbon.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Ðộ gần đây cũng khởi động các dự án hạt nhân mới. Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia (NTPC, công ty chủ yếu dựa vào than để cung cấp điện) và nhà phát triển hạt nhân độc quyền của Ấn Ðộ đang đàm phán với chính phủ để phát triển 2 lò phản ứng công suất 700 megawatt ở bang Madhya Pradesh. Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu tăng hơn gấp ba số cơ sở hạt nhân của Ấn Ðộ trong thập kỷ tới để mở rộng thị phần điện từ các nguồn sạch hơn, trong khi theo đuổi mục tiêu đưa mức phát thải carbon về 0 vào năm 2070. Ấn Ðộ hiện sản xuất khoảng 70% điện năng từ than đá và khoảng 3% từ hạt nhân.

Tại các nước phương Tây, nhiều quốc gia cũng “rục rịch” triển khai dự án hạt nhân. Ðơn cử, Chính phủ Anh hồi tháng 3 thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt bằng cách xây thêm 8 lò phản ứng hạt nhân mới. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã cho ra đời chương trình trị giá 6 tỉ USD hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân gặp khó khăn vì chi phí tăng cao. Nhiều nước châu Âu cũng tái khởi động các dự án điện hạt nhân. Bỉ đã gia hạn thời gian hoạt động của 2 lò phản ứng còn lại thêm một thập niên. Ba Lan vừa động thổ xây nhà máy đầu tiên. Hà Lan đang xây 2 nhà máy mới và hối thúc Ðức giữ lại những nhà máy đang hoạt động. Ở Pháp và Ðức - những nước từng có chính sách chấm dứt điện hạt nhân rất quyết liệt - đều đang xuất hiện những lập luận mạnh mẽ đòi hỏi xét lại chính sách đó.

Phát triển điện hạt nhân mới thực hoá mục tiêu "net zero"

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, đây là loại nguồn điện có công suất, hệ số phụ tải lớn, có thể đạt tới 90% và phát thải khí nhà kính rất thấp.

"Nếu phát triển điện hạt nhân sau năm 2030, mới có thể hiện thực hoá mục tiêu "net zero" vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26", ông nói.

Không nêu thời gian cụ thể, song ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử nói, việc quay lại phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam "phải bắt đầu sớm". Thời gian để một dự án điện hạt nhân từ khi bắt đầu chủ trương xây dựng cho tới lúc phát điện mất khoảng 15-20 năm, không thể ngắn hơn.

Ông Thành lưu ý, không nên bỏ quy hoạch địa điểm phát triển điện hạt nhân đã có trước đây ở Ninh Thuận, do "chúng ta đã bỏ ra khá nhiều vốn đầu tư vào đây, và không phải vị trí nào cũng thuận lợi, được chọn để phát triển điện hạt nhân".

Ngoài ra, công nghệ phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, theo ông, nên là công nghệ lò nước nhẹ tiên tiến, loại công nghệ các nước đã phát triển thuần thục, hơn là công nghệ lò hạt nhân công suất nhỏ không phải thay thế nhiên liệu tại chỗ.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương sẽ vẫn giữ quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới