Bộ Công Thương: Đẩy mạnh triển khai Đề án xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục khai thác lợi thế 17 Hiệp định FTA đã ký, tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và thương mại điện tử.
Tại phiên chất vấn đại biểu Quốc hội vào chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm rõ những vấn đề liên quan đến ngành Công Thương trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi từ một nền nông nghiệp truyền thống sang tư duy nông nghiệp hàng hóa và chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn. Mặc dù thời gian qua đã có những cố gắng nhưng chưa thấm tháp gì khi mà sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa đạt yêu cầu thị trường.
Trả lời các câu hỏi của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và bán ra thị trường thế giới. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.
Việt Nam hiện là thành viên của 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và người tiêu dùng lên tới gần 7 tỷ người, thị trường của chúng ta rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu được vào những thị trường rất khó tính, như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường. “Việt Nam cũng bán ra thị trường những cái mà thị trường cần, chứ không phải bán ra những cái mà mình có”, Bộ trưởng cho hay.
Cùng với đó, để tạo thuận lợi tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành để thuận lợi hóa thủ tục, thuận lợi hóa thương mại quốc tế.
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa. Đó là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin thị, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, đã phối hợp trên cơ sở các FTA đã ký thì đàm phán để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường nước ngoài. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan để thuận lợi hóa các thủ tục.
Bàn về các giải pháp thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu. Đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất. Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai đẩy mạnh Đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch mà Bộ Công Thương được giao chủ trì. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện Bộ đã hoàn tất Đề án, đang lấy ý kiến của một số bộ, ngành. Về phía các địa phương, hiện có 18/63 địa phương có ý kiến về Đề án. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành sớm có ý kiến để Bộ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2022, làm cơ sở cho việc thực hiện.
Đặc biệt, để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường quốc tế, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng làm thật tốt việc thông tin thị trường và thông qua thông tin thị trường sẽ định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương. Bộ sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành để tháo gỡ các thủ tục, thuận lợi hóa các thủ tục hành chính, hợp tác thương mại để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thuận lợi hơn, giảm các chi phí không cần thiết.
Trước đó, liên quan đến vấn đề tại sao năm nào cũng có hiện tượng ùn tắc, hoặc không tiêu thụ được các sản phẩm, hay tại sao người dân, doanh nghiệp không xuất khẩu chính ngạch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phải nhìn nhận đó là một thực tế. Nguyên nhân là do sự manh mún trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân… còn nhiều bất cập.
Nhấn mạnh “Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao, muốn có sự tăng trưởng như vậy thì làm chính ngạch phải tốt”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận vẫn còn tồn tại hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.
“Đây là cả một quá trình để giải quyết được; một mặt phải khuyến khích người dân, người sản xuất, nông dân, kể cả các doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch, nhưng mặt khác cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn do chính nội tại của chúng ta hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Lan Anh