Bình Thuận lý giải nguyên nhân dự án hồ chứa nước Ka Pét đội vốn hơn 288 tỉ đồng
Dự án hồ chứa nước Ka Pét đội vốn thêm hơn 288 tỉ đồng so với Nghị quyết đã được Quốc hội phê duyệt là do có sự thay đổi về giá nhân công, giá nguyên vật liệu, máy móc...
Đoàn Giám sát của Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có buổi làm việc với đại diện UBND tỉnh Bình Thuận hôm 9/3 liên quan đến vấn đề điều chỉnh đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.
Được biết, dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với mục tiêu: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng. Dự án có quy mô đầu tư: hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích 47,41 triệu m3 cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là 680,41 ha (bao gồm: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha) và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 541 ngày 14/5/2020 giao nhiệm vụ UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đến ngày 10/8/2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Tờ trình số 2583/TTr-UBND trình thẩm định, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư được điều chỉnh thành 874,089 tỷ đồng (tăng so với Nghị Quyết số 93 là 288,442 tỷ đồng); điều chỉnh diện tích sử dụng đất của dự án thành 697,73 ha (tăng 4,42 ha); điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tăng thêm 1 năm...
Do dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019 nên ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư của dự án. Để sớm đưa dự án vào triển khai, đáp ứng sự cần thiết đầu tư, thúc đẩy giải ngân, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 đến hết ngày 31/12/2023; giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Theo lý giải của UBND tỉnh Bình Thuận, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, diện tích làm dự án có liên quan tới đất rừng khối lượng công việc đánh giá hiện trạng rừng và trồng rừng thay thế nhiều, việc thực hiện phải đảm bảo theo đúng các quy định nên thời gian triển khai bị kéo dài...
Trước những vấn đề tại dự án hồ chứa nước Ka Pét, Đoàn Giám sát của Quốc hội thống nhất, đề nghị chủ đầu tư dự án phân tích rõ nguyên nhân (chủ quan, khách quan) của việc tổng mức đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét và các chi phí thành phần tăng; thời gian đề xuất kéo dài việc thực hiện dự án đến năm 2025; đánh giá tác động của việc triển khai dự án; giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân; khi thực hiện dự án cần quan tâm đến chính sách bồi thường, thu hồi đất, hạ tầng giao thông, sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số…
Phan Anh