Chủ nhật, 28/04/2024 02:27 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/12/2023 14:51 (GMT+7)

Bình Thuận: Hàng loạt dự án điện mặt trời chưa duyệt thiết kế, chưa có giấy phép vẫn xây dựng

Theo dõi KTMT trên

Trong kết luận thanh tra về quản lý và đầu tư xây dựng các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính Phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của dự án điện mặt trời tại Bình Thuận khi xây dựng chưa có giấy phép.

Sai phạm trong sử dụng đất 

Nội dung kết luận nêu rõ, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận 13 dự án điện mặt trời (ĐMT) với điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg trong đó: nhà máy ĐMT Hồng lam 3 xây dựng trên đất hoạt động khoáng sản; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 còn xây dựng trên 40,57 ha rừng, đến thời điểm thanh tra còn chưa thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.01 được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án tại Văn bản số 454/TTg-NN ngày 06/4/2021 và Văn bản số 260/TTg-NN ngày 18/3/2022; UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế tại Quyết định số 1028/QĐ- UBND ngày 27/04/2021, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng đã nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận số tiền 10,359 tỷ đồng theo Phương án phê duyệt. 

Bình Thuận: Hàng loạt dự án điện mặt trời chưa duyệt thiết kế, chưa có giấy phép vẫn xây dựng - Ảnh 1
Hàng loạt dự án điện mặt trời tại Bình Thuận chưa duyệt thiết kế, chưa có giấy phép vẫn xây dựng. 

Việc UBND tỉnh Bình Thuận cho các doanh nghiệp gồm: Công ty CP Năng lượng Thiên Niên Kỷ, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp điện 8 Bình Thuận, Công ty CP năng lượng Hồng Phong 1, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 2, Công ty CP Đức Thành Mũi Né, Công ty CP Điện mặt trời Trường Thành - Bình Thuận được thuê 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng là không có cơ sở. 

Bên cạnh đó UBND tỉnh còn cho Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1 thuê đất để đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Hồng Phòng 1 với công suất 40 MW, điện tích 14,75 ha, tăng sai 0,75 ha vi phạm khoản 2, Điều 12 Thông tư 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận. 

Vi phạm điều kiện khởi công xây dựng

Cơ quan thanh tra phát hiện đã  12/13 dự án vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình như: Thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt; 2 dự án chưa có giấy phép xây dựng; 5 dự án mặt bằng thi công chưa được bàn giao. Việc khởi công xây dựng các dự án điện khi Thiết kế bản vẽ thi công chưa được duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao là vi phạm Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014. 

Trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, hầu hết các chủ đầu tư đã khắc phục vi phậm, tuy nhiên, các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 01/7/2019, ngày 01/0/2021 đối với dự án ĐMT; trước ngày 01/11/2021 đối với dự án điện gió để được áp dụng cơ chế khuyến khích. 

Việc công nhận ngày vận hành thương mại, đưa 12/13 dự án vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp nhận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư (kết luận công trình đủ điều kiện để đưa vào sử dụng và sẵn sàng bán điện) là vi phạm khoản 1 Điều 32; khoản 3 Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ- BCT; điểm d khoản 1 Điều 51 Thông tư 39/2015/TT-BCT. 

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ khiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hồ sơ vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Hàng loạt dự án điện mặt trời chưa duyệt thiết kế, chưa có giấy phép vẫn xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới