Thứ bảy, 23/11/2024 06:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/05/2020 11:23 (GMT+7)

Bình Thuận gồng mình đối mặt với hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm

Theo dõi KTMT trên

Giếng khoan tắc mạch, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, Bình Thuận gồng mình chống chọi với đợt hạn hán gay gắt nhất 10 năm qua.

Nửa năm nay, tỉnh Bình Thuận hầu như không có mưa. Trong khi đó lượng nước từ các hồ chứa từ mùa mưa 2019 thấp hơn các năm đang khiến cho hạn hán tại đây ngày một khốc liệt. Giếng khoan tắc mạch, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, cây trồng nhiều nơi bị cắt nước hơn 2 tháng, Bình Thuận đang gồng mình chống chọi với đợt hạn hán gay gắt nhất trong vòng 10 năm qua.

Bình Thuận gồng mình đối mặt với hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm - Ảnh 1
Anh Mai Thanh Phúc vừa mừng vừa lo với mạch giếng vừa đào được để cứu hạn.

Hơn 2 tháng nay, anh Mai Thanh Phúc ở thôn Văn Phong, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chạy đôn đáo để tìm các cơ sở khoan giếng. 1.000 trụ thanh long đang cho trái cũng phải ngắt bỏ bớt trái vì teo tóp do không có nước. Tháng trước, giếng nước cũ dùng để sinh hoạt và tưới tiêu bị tắc mạch, anh Phúc thuê người khoan một giếng khác sâu đến 30m, với chi phí hơn 20 triệu nhưng không có giọt nước nào. Mấy ngày qua, nắng nóng gia tăng, sốt ruột, anh thuê tiếp người để khoan thêm một giếng đến 80m, tốn hơn 40 triệu mới tìm thấy lượng nước ít ỏi.

Anh Phúc lo lắng: “Nước sinh hoạt ở đây thiếu nhiều lắm. Nhiều người phải khoan 2, 3 cái giếng mới có nước để sinh hoạt, một cái khoan đến 30- 40 triệu đồng. Nhiều người khoan 2, 3 cái cũng chưa có nước mà xài. Thiệt hại nhiều lắm, giờ thanh long mà không có nước thì đâu có làm được cái gì, bỏ thanh long chết luôn”.

Bình Thuận gồng mình đối mặt với hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm - Ảnh 2
Những chiếc xe chở nước sinh hoạt đang ngày đêm hoạt động ở Bình Thuận.

Nắng nóng kéo dài đã khiến gần 15.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận buộc phải cắt giảm, trên 25.000 hộ dân với gần 93.000 khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nơi, người dân phải đi chở nước hoặc mua nước từ nơi khác với giá từ 80.000 – 120.000 đồng/m³ để dùng cho sinh hoạt, ăn uống và nuôi gia súc.

Anh Nguyện Văn Nam, một thợ khoan giếng ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cho biết liên tục tiếp nhận cuộc gọi cầu cứu của người dân vùng hạn đến khoan giếng: “Mùa này thiếu nước trầm trọng. Một tháng bình thường nếu công việc suôn sẻ thì khoan 10, 15 cái. Chỗ nào người ta đang thiếu nước thì họ kêu liên tục”.

Bình Thuận gồng mình đối mặt với hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm - Ảnh 3
Những chiếc xe chở nước sinh hoạt đang ngày đêm hoạt động ở Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, đây là đợt hạn khắc nghiệt nhất trong 10 năm qua. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn 13 triệu m³ nước, chủ yếu tập trung ở hồ Sông Quao cùng các hồ chứa, giếng khoan, chiếm khoảng 6% lượng nước theo thiết kế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã ngưng cấp nước cho nông nghiệp, chỉ ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên, việc cấp nước sinh hoạt cũng đang được tính toán kỹ lưỡng và ưu tiên những khu vực trung tâm, đặc biệt là TP Phan Thiết.

Đầu tháng 5 vừa qua, Bình Thuận đã công bố hạn cấp độ 2, nhưng theo ông Phước, thực tế hiện nay hạn đã ở cấp độ 3: “Từ vụ Đông Xuân tỉnh đã cho cắt giảm 15.500ha, giảm bớt sử dụng nước cho cây lúa, để dành nước cho sinh hoạt và cây trồng lâu năm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai các công trình chống hạn cấp bách, như triển khai kéo các đoạn nước kênh mương, đang tập trung để hoàn thành các thủ tục để triển khai cấp cho dân. Đặc biệt, các địa phương đang rà soát các khu vực thiếu nước sinh hoạt để mua nước cấp cho người dân hoặc hỗ trợ cho người dân để có nước sinh hoạt”.

Bình Thuận gồng mình đối mặt với hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm - Ảnh 4
Các hồ chứa ở Bình Thuận đang cạn trơ đáy.

Trước đó, Sở NN-PTNT Bình Thuận có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tăng lượng nước xả tại hồ thuỷ điện Đại Ninh từ 15,12 triệu m³ lên 17,92 triệu m³ để duy trì sự sống cho 13.000 ha thanh long ở huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và cung cấp một phần cho TP Phan Thiết. Hiện hồ thuỷ điện này cũng còn chỉ 19 triệu m³ nước, chiếm khoảng 7% dung tích thiết kế. Đơn vị này cũng đang đề xuất Trung ương hỗ trợ địa phương cải tạo hạ tầng thuỷ lợi để hạn chế thiệt hại những năm về sau.

Bình Thuận gồng mình đối mặt với hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm - Ảnh 5
Công nhân công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thuỷ lợi Bình Thuận đang lắp đất để ngăn người dân trộm nước từ kênh N33 chuyển nước từ kênh chính Sông Quao về Nhà máy nước Phan Thiết..

Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay lượng mưa tại Bình Thuận thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15 – 70%. Dự báo từ tháng 6 trở đi thì mưa mới có thể bằng trung bình nhiều năm. Chính vì vậy, hạn hán tại Bình Thuận trong những ngày tới dự kiến sẽ còn khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngàn hộ dân.

Văn Thuận

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận gồng mình đối mặt với hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới