Bình Thuận: Bổ sung 2 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cao tốc Bắc – Nam
Để phục vụ công tác thi công dự án cao tốc Bắc – Nam diễn ra đúng kế hoạch, mới đây UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt bổ sung 2 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường (vật liệu san lấp) với diện tích hơn 11 ha.
Theo đó, ngày 18/2 UBND tỉnh Bình Thuận đã bổ sung danh mục các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
Khu vực khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm 2 khu vực với tổng diện tích 11,5 ha, gồm: Khu vực mỏ vật liệu san lấp tại thôn Phú Thái, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc (ký hiệu QH.BS-SL9) với diện tích 5,5 ha và khu vực mỏ vật liệu san lấp tại thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc (ký hiệu QH.BS-SL10) với diện tích 6 ha. Hai mỏ này nằm trong phạm vi thi công gói thầu XL-04 dự ấn cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Việc bổ sung danh mục 2 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (vật liệu san lấp) tỉnh Bình Thuận theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 và điểm a Khoản 1 Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ để cấp phép cho nhà thầu khai thác cung cấp nguồn đất đắp thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết).
Tại quyết định nêu rõ, chỉ cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực mỏ trong phạm vi diện tích 11,5ha đã được khoanh định cho nhà thầu thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết) khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ.
Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm thông báo cho Ban Quản lý Dự án 7 và các nhà thầu thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết) biết Quyết định này để thực hiện. Trên cơ sở đó, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy theo Quy chế số 01-QC/TU ngày 09/12/2020.
Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận vào cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng tiến độ dự án cao tốc đang bị chậm so với kế hoạch nếu không nỗ lực, có giải pháp tăng tốc thi công, đột phá sẽ không thể hoàn thành theo đúng yêu cầu của Quốc hội hoàn thành vào cuối năm 2022.
Các nguyên nhân được đưa ra là do nhà thầu chậm huy động lực lượng, thiết bị máy móc chưa đáp ứng được yêu cầu, tiếp cận nguồn vật liệu,… Nguyên nhân khác là thiếu nguồn vật liệu đất đắp, trong khi đó thi công nền đường là hạng mục quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đến nay nguồn vật liệu cung cấp cho dự án vẫn còn thiếu, khối lượng đất đắp còn lại rất lớn.
Thứ trưởng Đông cho biết thêm, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nên tăng sản lượng khai thác một số mỏ, cấp phép thêm một số mỏ mới. Tuy nhiên, đến nay thủ tục giải quyết một số mỏ cấp mới vẫn còn chậm, chưa giải quyết được nhu cầu vật liệu đang thi công.
Thứ trưởng Đông cho rằng, đây là công trình trọng điểm được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, do vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành địa phương chỉ đạo đẩy nhanh việc cấp phép các mỏ vật liệu mới, sớm hoàn thiện các thủ tục cấp phép một cách nhanh nhất.
Chia sẻ về khó khăn trong việc tìm vật liệu san lấp, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9 triệu m3 đất đắp. Theo tính toán sơ bộ, các mỏ đất được cấp phép đang khai thác trong khu vực dự án đi qua chỉ hơn 1,5 triệu m3.
Dự kiến, đến tháng 10/2021, các gói thầu của dự án sẽ phải thi công xong nền đường, tính ra nhu cầu mỗi tháng bình quân cần khoảng 900.000m3. Giá đất đắp trong dự toán của dự án khoảng 90.000 đồng/m3.
Tuy nhiên hiện nay, các chủ mỏ đang rao bán đất cho các nhà thầu với mức giá khoảng 120.000 - 140.000 đồng/m3, chênh từ 30.000 - 50.000 đồng/m3 so với giá trong dự toán.
“Việc mua bán vật liệu thi công là quan hệ giữa các nhà thầu với chủ mỏ đất, mỏ đá, không ảnh hưởng gì đến tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, bởi khi nhà thầu đã bỏ giá thầu thì phải làm đúng theo quy định. Tuy nhiên, việc khan hiếm vật liệu, giá đất bị đẩy lên cao, nhà thầu bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình”, ông Khoát chia sẻ.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 1 trong 11 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài gần 100 km, đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, được khởi công cuối tháng 9/2020, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Dự án có 4 gói thầu với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Để làm cao tốc, các đơn vị thi công cần khoảng 5,4 triệu m3 đất đắp nền đường. Tuy nhiên, đến nay, nguồn đất san lấp đang thiếu trầm trọng, gây khó khăn cho các nhà thầu và tuyến cao tốc có nguy cơ chậm tiến độ.
Thanh Tùng