Bình Dương xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng PAPI 2022
Với chỉ số tổng hợp đạt 47,4488 điểm, tỉnh Bình Dương đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm (PAPI) 2022 của cả nước và tăng hơn 2,7 điểm so với năm 2021.
Sáng 12/4, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng đã công bố báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2022 (PAPI 2022).
Theo đó, trong số các tỉnh/TP thuộc nhóm tứ phân vị “cao”, 6 tỉnh/TP thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các tỉnh/thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm tứ phân vị “thấp” thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Báo cáo này, so với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/TP có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; 18 tỉnh/TP có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh/TP có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử".
Tuy nhiên, 29 tỉnh/TP giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 tỉnh/TP giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", 18 tỉnh/TP giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công”.
Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương đạt tổng điểm 47,4488 điểm, đứng thứ 2 cả nước. Bình Dương giữ được thứ hạng so với năm 2021, tăng hơn 2,7 điểm so với năm 2021. Tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất về chỉ số PAPI với 47,8763 điểm, kế tiếp là các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế, Bạc Liêu, Bình Thuận… Tỉnh Cao Bằng đứng cuối cùng với 38,8037 điểm.
Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cho biết, kết quả công bố cho thấy Bình Dương giữ được thứ hạng 2 so với năm 2021, đây là niềm tự hào cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương. Kết quả này là sự ghi nhận, động viên từ người dân với sự cố gắng của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở.
Bên cạnh đó, chỉ số PAPI có những ý nghĩa hết sức quan trọng, không những thu thập thông tin kịp thời về những gì đang diễn ra trong công tác quản trị, hành chính công nói chung mà còn quan tâm tới những gì người dân đang trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ của nền hành chính nhà nước.
“Chỉ số PAPI không những cung cấp thông tin khách quan về những trải nghiệm, các mối quan hệ của người dân với các cơ quan chính quyền địa phương mà còn là công cụ đánh giá hiệu quả thực tế của các cấp chính quyền bằng cách tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của mình”, ông Lý Văn Đẹp cho hay.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua việc: tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân; thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán để cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.
Yến Thanh