Binh đoàn xe đạp thồ: Biểu tượng của chiến tranh nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta đã sử dụng gần 21.000 chiếc xe đạp thồ, chở hàng nghìn tấn lương thực và vũ khí ra tiền tuyến. Chính phương tiện thô sơ này đã góp công lớn vào chiến thắng lịch sử, trở thành biểu tượng của chiến tranh nhân dân.
Quá trình ra đời của một “phương tiện vận tải huyền thoại”
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ - nơi người Pháp coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Theo tính toán của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, để phục vụ cho nhu cầu chiến đấu của 87.000 người trong chiến dịch Điện Biên Phủ (54.000 bộ đội và 33.000 dân công) cần huy động ít nhất 16.000 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn thịt, 100 tấn rau, 80 tấn muối và khoảng 12 tấn đường…
Nguồn lực tiếp tế cho chiến trường dự kiến sẽ huy động từ các vùng Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm sao có thể vận chuyển được khối lượng lương thực lớn này ra chiến trường? Bởi các khu vực kể trên cách Điện Biên Phủ khoảng 500-600 km, lại phần lớn là đường đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên bắn phá.
Tướng Henri Navarre - Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ còn tự tin khẳng định rằng: “Lực lượng của tướng Giáp sẽ không thể có được chuyển tiếp viện vũ khí, đạn dược và lương thực. Phải mang hàng ngàn tấn hàng, xuyên hàng trăm km rừng rậm để tiếp viện cho một lực lượng chiến đấu khoảng 50.000 người là một thử thách không thể vượt qua”.
Tìm lời giải cho thách thức này, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung Ương do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Nhiệm vụ là chỉ đạo các cấp ngành ở trung ương và địa phương huy động tối đa sức người, sức của phục vụ cho chiến trường.
Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng cung cấp mặt trận Trung Ương, ngoài 530 chiếc ô tô tải, các loại xe khác như: Xe đạp thồ, xe ngựa, xe trâu, xe cút kít, bè mảng... cũng được huy động tham làm phương tiện vận tải cho chiến dịch. Trong đó, số xe đạp thồ đã đảm bảo lên tới 80% khối lượng hậu cần của chiến dịch. Số lượng xe này có thời điểm được huy động tối đa lên tới gần 21.000 xe.
Về nguồn gốc của xe đạp thồ, theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, một trong những người đầu tiên có công cải tiến, giúp xe đạp chở được nhiều hàng hóa hơn là ông Ma Văn Thắng, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Trước khi gia nhập đoàn dân công tiếp tế hậu cầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thắng là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba, đầu năm 1954 ông Thắng nhập đoàn dân công, được phân công làm trưởng đoàn xe đạp thồ tỉnh Phú Thọ gồm 100 người, phiên hiệu là T20.
Nhiệm vụ chính của đoàn xe ông Thắng là chở hàng từ kho Âu Lạc, tỉnh Yên Bái, lên chân đèo Pha Đin, tỉnh Sơn La, quãng đường hơn 200 km qua nhiều đèo dốc hiểm trở.
Lúc đầu mỗi chiếc xe đạp trong đoàn xe của ông Thắng chỉ chở được từ 80-100 kg, để nâng cao hiệu quả chở hàng hoá của xe đạp, ông Thắng cùng đoàn dân công có sáng kiến buộc thêm một đoạn tre nhỏ (gọi là tay ngai), dài khoảng 1m vào ghi-đông xe để dễ điều khiển. Nhờ thế ngay cả khi xe được chất hàng hóa cồng kềnh, dân công vẫn có thể “bẻ lái” dễ dàng. Một đoạn tre khác được buộc vào trục yên, cao hơn yên xe khoảng nửa mét, để dân công nắm vào đó giữ thăng bằng cho xe và đẩy xe đi.
Do chuyên chở hàng hóa nặng, xe còn được hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng của khung xe; dùng quần áo cũ, săm xe cũ… cuốn vào bánh làm tăng độ bền của săm, lốp khi đi đường trường, đường đá…
Sau khi được cải tiến, chiếc xe đạp thồ đã nâng mức chở lên 200kg, thậm chí hơn 300kg. Như chiếc xe ông Thắng sử dụng đã lập kỷ lục khi tải đến 352kg. Con số này được coi là kỷ lục trong một chuyến xe thồ, được Ban Chi viện chiến dịch xác nhận, biểu dương trên toàn mặt trận.
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.
Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, toàn quân toàn dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược phục vụ mặt trận. Càng những ngày cuối chiến dịch, từng đoàn xe ô tô, đoàn thuyền, đoàn xe ngựa thồ, đặc biệt là hàng vạn chiếc xe đạp thồ từ các vùng tự do, vùng mới giải phóng Tây Bắc cũng như những vùng sau lưng địch đã băng rừng vượt suối hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến.
Những hàng xe hậu cần của quân và dân ta dài hàng trăm km từ Thanh Hóa, Phú Thọ lên đến Tây Bắc, những đoàn dân công hỏa tuyến vượt núi băng rừng đi qua những quãng đường đèo dốc hiểm trở ngày đêm bị máy bay địch cung cấp nguồn hàng vô tận cho tiền tuyến lớn.
Trong các địa phương, Thanh Hóa được xem là hậu phương lớn khi huy động hơn 180.000 dân công gánh bộ, 11.000 dân công xe đạp thồ chuyển tiếp. Toàn tỉnh đã có hơn một triệu lượt người (với khoảng 27 triệu ngày công) tham gia chiến dịch, bằng nửa số dân của tỉnh lúc bấy giờ.
Cùng với ôtô, thuyền nan, xe bò, xe ngựa..., đoàn xe đạp thồ hơn 3.500 chiếc của Thanh Hóa đã thực hiện gần 16.000 lượt vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược ra mặt trận. Tỉnh đã vận chuyển hơn 9.000 tấn gạo, chiếm 56% tổng lượng gạo cho tuyến đầu; 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai nước mắm cùng hàng trăm tấn rau củ, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong toàn chiến dịch.
Ở phạm vi toàn quốc, trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Minh đã huy động gần 21.000 xe đạp thồ các loại. Cùng với 11.800 bè mảng, hơn 7.000 xe cút kít, hơn 2.000 xe trâu, xe ngựa..., dân công đã vận chuyển hơn 25.000 tấn lương thực, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô, 1.200 tấn đạn, hơn 1.700 tấn xăng dầu và 177 tấn vật chất khác.
Nhà báo Pháp Giuyn Roa trong cuốn La Bataille de dien Bien phu cho rằng: "không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200-300 kg hàng, được đẩy bằng sức người - những người ăn chưa no và ngủ nằm ngay dưới đất trải tấm nylon. Tướng Navarre thất bại không phải bởi các phương tiện mà bởi trí thông minh, lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương".
Khi tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký Điện Biên - Điểm hẹn lịch sử: "Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới".
Còn các học giả nước ngoài thì nhận xét rằng, chưa ở đâu có như ở Việt Nam, khi sử dụng một lượng lớn xe đạp thồ - một phương tiện đơn giản trở thành phương tiện vận tải hữu hiệu. Họ đã đánh giá rất cao chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Việt Nam đã huy động được mọi sức mạnh, huy động mọi lực lượng, huy động mọi yếu tố, phát huy mọi sáng kiến để phục vụ cuộc kháng chiến cho nên Việt Nam giành thắng lợi là tất yếu.
H.A