Biển Hàn Quốc: 'Bức tranh yên ả' bị phá hủy bởi nước biển dâng
Tình trạng biến đổi khí hậu cùng với tốc độ mở rộng phát triển kinh tế nhanh chóng tại bãi biển Sacheonjin của Hàn Quốc trong năm qua khiến mực nước tại đây dâng lên mức cao nhất trong 12 năm qua.
Bãi biển Sacheonjin đang hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu
Sở hữu vẻ đẹp trời ban với biển xanh, cát trắng, bãi biển Sacheonjin của Hàn Quốc trong nhiều năm qua vẫn luôn là điểm hẹn lý tưởng của những du khách và người yêu thích môn thể thao lướt sóng muốn tận hưởng giây phút yên ả, thay vì không khí sôi động, tấp nập tại các bờ biển phía Đông của nước này.
Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu cùng với tốc độ mở rộng phát triển kinh tế nhanh chóng tại địa phương này trong năm qua đang phá hủy dần vẻ đẹp của bãi biển này.
Những con sóng to đang phá hủy "bức tranh" yên ả vốn có của vùng biển này. Choi Jong-min - chủ nhà khách ở Sacheonjin chia sẻ nỗi lo ngại, chưa bao giờ nước biển tiến sát bờ như hiện nay, trong khi những con sóng hiện cũng dâng lên mức cao nhất trong 12 năm qua.
Theo kết quả một cuộc khảo sát 250 bãi biển do Bộ Thủy sản Hàn Quốc thực hiện, đến năm 2020, bãi biển Sacheonjin là một trong 43 bãi biển xảy ra tình trạng xói mòn nghiêm trọng.
So với kết quả khảo sát năm 2018, có thêm 12 bãi biển xảy ra tình trạng xói mòn nghiêm trọng. Điều này cho thấy số bãi biển xói mòn tại Hàn Quốc gia tăng ở mức đáng báo động, đòi hỏi cơ quan chức năng nước này tăng cường các biện pháp bảo trì bãi biển.
Trên thực tế, nước biển ngày càng tiến sâu vào bờ đã khiến chiều rộng bãi biển Sacheonjin thuộc tỉnh Gangwon chỉ còn 3 m, thu hẹp đáng kể so với bề rộng 40 m ghi nhận năm 2019.
Điều này khiến nhiều cửa hàng buôn bán kinh doanh trên bãi biển phải dời đi. Ở nhiều nơi xuất hiện các đụn cát cao tới 5 m, gây lo ngại về vấn đề an toàn và ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của địa phương.
Theo Giám sư Kim In-ho, chủ nhiệm cuộc khảo sát tại tỉnh Gangwon, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các kế hoạch phát triển địa phương không được thực hiện đồng bộ với các giải pháp bảo vệ môi trường.
Ông cho rằng việc xây dựng các kiến trúc, ví dụ các đê chắn sóng, với thiết kế và vị trí phi khoa học đã làm gia tăng các đợt sóng to và thu hẹp diện tích cồn cát, vốn có vai trò ngăn chặn xói mòn và hiện tượng nước biển dâng do bão.
Cơ quan Thủy văn và Hải dương học Hàn Quốc cho biết mực nước biển phía Đông của Hàn Quốc mỗi năm dâng cao thêm 3,83 mm trong giai đoạn từ 1980 đến 2020. Một nghiên cứu của Bộ Môi trường Hàn Quốc năm 2020 cho thấy khu vực bãi biển Samcheok ở phía Nam Sacheonjin đã bị thu hẹp xuống mức nhỏ nhất kể từ năm 2005.
Tác động của nước biển dâng ra sao?
Thực tế nước biển tại Hàn Quốc dâng cao khiến người dân vùng biển nơi đây lo ngại kế sinh nhai bị ảnh hưởng khi nguồn thu chủ yếu dựa vào ngành du lịch.
Nước biển dâng sẽ làm úng ngập (inundation) các đồng bằng và xóa sổ nhiều vùng đất ngập nước (wetland). Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các đô thị lớn trên thế giới từ xa xưa đều nằm ở khu vực cửa sông ven biển, nơi có nguồn nước ngọt dồi dào cho hoạt động nông nghiệp và sinh sống, thuận tiện giao thương đường biển và là cửa ngõ giao lưu văn hóa.
Trong khi đó, các khu vực ngập nước, bao gồm rừng nhiệt đới Amazon hay đầm lầy Siberia, là các khu sinh quyển rộng lớn với nhiều loại động thực vật hết sức phong phú. Nước biển dâng cũng làm dần biến mất hoặc xói mòn các bãi biển, cồn cát, đảo chắn và các khu vực vịnh, cửa sông ven biển. Nước biển dâng sẽ làm tăng nguy cơ tác động của các cơn bão và của triều cường, khi nước biển dễ dàng xâm nhập vào đất liền.
Trong đánh giá tác động của nước biển dâng, các yếu tố rủi ro đều được xem xét. Bên cạnh nước biển dâng dài hạn do biến đổi khí hậu, yếu tố thủy triều và nước dâng do bão cũng thường được cộng gộp trong phân tích. Trong khi lượng nước biển dâng và thủy triều có thể ước lượng được, thì tần suất và cường độ của bão là yếu tố bất định khó dự đoán. Để vượt qua vấn đề này, các phân tích cực trị (Extreme Value Analysis) được áp dụng, qua đó giúp tính được xác suất xảy ra các cơn bão và mức nước biển dâng tương ứng.
Chính phủ Singapore khi xây dựng các kịch bản đánh giá rủi ro đã tính đến các chu kỳ lặp lại (Return Period) của bão là hàng năm, 1 trong 10 năm, 1 trong 100 năm và thậm chí 1 trong 1.000 năm. Tùy theo tầm quan trọng của các công trình xây dựng ven biển mà các mức độ rủi ro được áp dụng phòng ngừa một cách thích hợp. Sau khi lượng hóa các yếu tố này, ta thu được mực nước tuyệt đối của nước biển phục vụ cho việc đánh giá rủi ro, bao gồm xây dựng bản đồ úng ngập.
Nguyễn Linh (T/h)