Trung Quốc 'thấm đòn' nước biển dâng
Hiện tượng nóng lên toàn cầu làm mực nước biển dâng khiến Trung Quốc phải chuẩn bị để đối phó với các hệ quả cực đoan như bão, xói mòn và triều mặn, theo South China Morning Post.
Theo Bộ Tài nguyên Trung Quốc, mực nước biển dọc theo các tỉnh ven biển tập trung đông dân cư của nước này đang dâng cao hơn bao giờ hết. Ở một số nơi, mực nước ăn sâu vào đất liền đến 42 m.
Trong một báo cáo thường niên được công bố vào cuối tháng 4, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết mực nước ven biển ở nước này đã tăng trung bình 3,4 mm mỗi năm trong giai đoạn 1980-2020.
Cũng theo báo cáo này, trong 30 năm tới, mực nước ven biển của Trung Quốc dự kiến tăng 55-170 mm.
"Trung Quốc nên hành động để bảo vệ bờ biển... và chuẩn bị nhằm thích ứng với hiện tượng nước biển dâng cao", báo cáo viết.
"Mực nước biển dâng chủ yếu xuất phát từ tình trạng nóng lên toàn cầu làm băng tan chảy và bơm thêm nước vào đại dương", Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái Đất của Singapore tại Đại học Công nghệ Nanyang, nhận định.
"Khoảng 1/3 lượng nước gia tăng tính đến hiện tại xuất phát từ sự giãn nở nhiệt độ", ông Horton giải thích.
Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới vào năm 2020 cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo South China Morning Post, đây đồng thời là một trong những ngưỡng nhiệt độ toàn cầu cao nhất từng được ghi nhận.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết mực nước biển dâng làm gia tăng cường độ triều cường, xói mòn và triều mặn, với các tỉnh như Chiết Giang và Quảng Đông bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Riêng tại Chiết Giang, cơn bão Hagupit đổ bộ vào tháng 8/2020 đã gây thiệt hại hơn 11,3 tỉ USD về nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của tỉnh này.
Đại Hoàng