Thứ sáu, 29/03/2024 09:15 (GMT+7)
Chủ nhật, 18/08/2019 09:54 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường

Theo dõi KTMT trên

Sự biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài…

Khí hậu là trạng thái khí quyển ở nơi nào đó, được đặc trưng bởi các trị số trung bình nhiều năm về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, lượng bốc thoát hơi nước, mây, gió...Như vậy, khí hậu phản ánh giá trị trung bình nhiều năm của thời tiết và nó thường có tính chất ổn định, ít thay đổi.

Vậy biến đổi khí hậu là gì?

Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng - Ảnh minh họa.

Sự biển đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thế giới hạn trong một vùng nhất định hay có thế xuất hiện trên toàn Địa Cầu. Trong những năm gần đây, đặc biệt trong ngữ cảnh chính sách môi trường, biến đổi khí hậu thường đề cập tới sự thay đổi khí hậu hiện nay, được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nguyên nhân của biến đổi khí hậu

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Biến đổi khí hậu có sự tác động rất lớn của con người mà chúng ta gọi đó là sự làm nóng bầu khí quyển hay hiệu ứng nhà kính.Có thể hiểu sơ lược là: nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất được quyết định bởi sự cân bằng giữa hấp thụ năng lượng mặt trời và lượng nhiệt trả vào vũ trụ. Khi lượng nhiệt bị giữ lại nhiều trong bầu khí quyển thì sẽ làm nhiệt độ trái đất tăng lên.

Chính lượng khí CO2 chứa nhiều trong khí quyển sẽ tác dụng như một lớp kính giữ nhiệt lượng tỏa ngược vào vũ trụ của trái đất. Cùng với khí CO2 còn có một số khí khác cũng được gọi chung là khí nhà kính như NOx, CH4, CFC.

Với những gia tăng mạnh mẽ của nền sản xuất công nghiệp và việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch (dầu mỏ, than đá..), nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng từ 1,4oC đến 5,8oC từ 1990 đến 2100 và vì vậy sẽ kéo theo những nguy cơ ngày càng sâu sắc đối với chất lượng sống của con người.

Những hậu quả khó lường đối với nhân loại

Trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỷ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.

Núi băng và sông băng tan chảy

Sự nóng lên của Trái đất, băng tan đã dẫn đến mực nước biển dâng cao. Theo quan sát từ vệ tinh, diện tích các lớp băng ở Bắc cực, Nam cực, băng ở Greenland và một số núi băng ở Trung Quốc đang dần bị thu hẹp. Chính sự tan chảy của các lớp băng cùng với sự nóng lên của khí hậu các đại dương toàn cầu (tới độ sâu 3.000m) đã góp phần làm cho mực nước biển dâng cao.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 2
Núi băng tan chảy ở Nam Cực - Ảnh minh họa.

Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên khoảng từ 2,0 - 4,5oC và mực nước biển toàn cầu sẽ tăng từ 0,18m - 0,59m. Việt Nam là 1 trong 4 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự BĐKH và dâng cao của nước biển.

Bão lũ, hạn hán gia tăng

Theo thống kê, số cơn bão trên biển Đông ảnh hưởng đến nước ta cũng ngày càng ít đi nhưng ngược lại số cơn bão mạnh có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn, quỹ đạo của bão trở nên dị thường và số cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung bộ, Nam bộ ngày càng tăng.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 3
Hạn hán gia tăng do biến đổi khí hậu - Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, số ngày mưa phùn ở miền Bắc giảm một nửa (từ 30 ngày/năm trong thập kỷ 1961 - 1970 xuống còn 15 ngày/năm trong thập kỷ 1991 - 2000). Lượng mưa biến đổi không nhất quán giữa các vùng, hạn hán có xu hướng mở rộng, đặc biệt là ở khu vực Nam Trung bộ (trong đó có Khánh Hòa), dẫn đến gia tăng hiện tượng hoang mạc hóa.

Hiện tượng El Nino và La Nina

El Nino là một thuật ngữ của ngành khí tượng học, để chỉ hiện tượng nước biển nóng lên, gây ảnh hưởng đến thời tiết trên phạm vi toàn cầu.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 4
Hiện tượng El Nino xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới - Ảnh minh họa.

Hiện tượng El Nino và La Nina ảnh hưởng mạnh đến nước ta trong vài thập kỷ gần đây, gây ra nhiều đợt nắng nóng, rét đậm rét hại kéo dài có tính kỷ lục. Dự đoán vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 30C và sẽ tăng số đợt và số ngày nắng nóng trong năm; mực nước biển sẽ dâng cao lên 1m. Điều này dẫn đến nhiều hiện tượng bất thường của thời tiết.

Thay đổi hệ sinh thái

Nước biển dâng dẫn đến sự xâm thực của nước mặn vào nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt cũng như nước và đất sản xuất nông - công nghiệp.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 5
Hệ sinh thái ngày càng thay đổi - Ảnh minh họa.

Nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số (17 triệu người) của nước ta. Trong đó, khu vực ven biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng BĐKH và dâng cao của nước biển.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 6
Người dân Đồng bằng sông Cửu Long trắng tay vì đất nhiễm mặn - Ảnh minh họa.

Riêng đồng bằng sông Cửu Long, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỷ USD.

Thay đổi thời tiết, dịch bệnh

BĐKH còn kéo theo sự thay đổi của thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, sản xuất nông, lâm, công nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Đặc biệt là sự xuất hiện của dịch bệnh và khan hiếm về lương thực, nước ngọt.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 7
Biến đổi kí hậu gây nên tình trạng thiếu nước sạch trên thế giời - Ảnh minh họa.

Dự báo, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới sẽ khó khăn về nước sạch và 600 triệu người bị suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu trong những năm tới.

Mất đa dạng sinh học

Do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ tăng lên làm cho một số loài động thực vật biến mất, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng do thiếu môi trường sống.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường - Ảnh 8
Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng vì không còn môi trường sống - Ảnh minh họa.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của các quốc gia. Do sự xuất hiện của những cơn bão lớn, những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan gây nên mất mùa. Bên cạnh đó, chi phí để khắc phục hâu quả do bão lũ, sạt lở đất,...là rất lớn.

Như vậy, có thể thấy rằng, hậu quả do biến đổi khí hậu đến các quốc gia, khu vực trên thế giới là không hề nhỏ. Đặc biệt, sự ảnh hưởng của nó đến Việt Nam cũng ngày càng rõ ràng và nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp để hạn chế những hậu quả khó lường của biến đổi khí hậu.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.