Thứ sáu, 22/11/2024 05:18 (GMT+7)
Thứ hai, 08/01/2024 16:52 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu và mối quan hệ đặc biệt với bất bình đẳng giới

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa, làm trầm trọng các bất công hiện có. Đáng nói hơn định kiến giới và rào cản với phụ nữ, trẻ em gái có xu hướng ngày một nặng nề hơn.

Điểm nghẽn thời đại

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khoảng cách giới năm 2022, sẽ mất 132 năm để bình đẳng giới trở thành hiện thực và 151 năm để thu hẹp sự tham gia kinh tế và khoảng cách cơ hội về giới. Bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ, cho biết, phụ nữ và trẻ em gái thường phải gánh chịu những hậu quả khắc nghiệt và bạo lực nhất của biến đổi khí hậu. 

Dẫn số liệu từ Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), bà Bachelet cho biết, phụ nữ chiếm 80% trong số những người chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp, những suy thoái kinh tế xã hội tác động đến phụ nữ và trẻ em gái khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa như bạo lực gia đình, kết hôn sớm hoặc ép buộc, buôn,...

70% trong số 1,3 tỷ người sống trong điều kiện nghèo đói là phụ nữ, hầu hết họ phụ thuộc nhiều vào đất đai để sinh tồn. Vấn đề còn tồi tệ hơn khi tình trạng hạn hán ngày càng gia tăng trên toàn cầu khiến việc tiếp cận nước và trồng trọt trở nên khó khăn hơn, phụ nữ buộc phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động tự cung tự cấp như lấy nước và trồng trọt. Do đó, họ có ít thời gian hơn để cải thiện tình hình kinh tế thông qua giáo dục hoặc việc làm chính thức.

Biến đổi khí hậu và mối quan hệ đặc biệt với bất bình đẳng giới - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng giới trên thế giới. 

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 14 tuổi vắng mặt ở các lớp học trên khắp Nigeria. Số liệu ở trẻ em gái còn thấp hơn nữa. Ở phía Đông Bắc và Tây Bắc, dưới một nửa số trẻ em gái được đến trường. 

UNICEF nhận định, khủng hoảng về y tế, giáo dục đến từ nhiều yếu tố nhưng nhìn xa đó chính là cuộc khủng hoảng khí hậu. Bangladesh bị xem là dễ bị tổn thương trước khủng hoảng khí hậu. Khi tác động của thời tiết khắc nghiệt đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói hơn và các gia đình trở nên tuyệt vọng trong việc giảm bớt căng thẳng về tài chính, nguy cơ tảo hôn sẽ gia tăng. 

Một số chính phủ đã cam kết chấm dứt tảo hôn vào năm 2030 tuy nhiên vẫn còn gần 9 triệu bé gái trên toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ thảm họa khí hậu và tảo hôn mỗi năm.

Trợ lý Tổng Thư ký, cố vấn đặc biệt về Hành động khí hậu và Chuyển đổi công bằng của LHQ, ông Selwin Hart cho biết, phụ nữ đặc biệt là phụ nữ ở các nước nghèo dễ bị tổn thương chính là “tuyến đầu” trong số những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Chính sách hoặc chiến lược cũng chưa thực sự hướng tới việc giải quyết thách thức này. 

Nỗ lực rút khoảng cách 

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Tấn thông tin, Việt Nam cam kết đưa vấn đề bình đẳng giới và hành động vì khí hậu vào trong chương trình nghị sự cao nhất của đất nước. Nỗ lực này được thể hiện rõ trong Quyết định số 896/2022/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Nhiệm vụ và giải pháp được nêu: Bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới; nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho cán bộ, hội viên phụ nữ, thanh thiếu niên, người dân, đặc biệt ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai; phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. 

Đến năm 2030 sẽ tăng cường vai trò, năng lực và sự tham gia của phụ nữ,  thanh thiếu niên trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. 

Ngoài ra trong tài liệu nghiên cứu, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra một số đề xuất để gia tăng bình đẳng giới trong bối cảnh thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Địa phương cần nâng cao nhận thức cả về vấn đề biến đổi khí hậu lẫn bình đẳng giới và khuyến khích việc học hành cho phụ nữ, giáo dục cho tất cả mọi người với lưu ý đặc biệt tới chương trình học về bình đẳng giới và các hành động liên quan tới biến đổi khí hậu. 

Đảm bảo hoạt động của phụ nữ trong công tác giảm nhẹ rủi ro thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như trong việc xây dựng luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai phải kết hợp được các khía cạnh và các chỉ số liên quan đến bình đẳng giới.

Phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng bình đẳng giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết: Giới và biến đổi khí hậu là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn thể xã hội. Bình đẳng giới và biến đổi khí hậu đã trở thành các mục tiêu quan trọng của Chương trình Nghị sự 2030, cụ thể, mục tiêu SDG 5 về giới và SDG 13 về ứng phó với biến đổi khí hậu.  

Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong nông nghiệp, tài nguyên nước. Để thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến nhanh và bất thường, việc lồng ghép giới trong các chính sách khí hậu ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương là rất cần thiết, đặc biệt là chính sách khí hậu về thích ứng nông nghiệp, tài nguyên nước và các lĩnh vực phát thải khí nhà kính như năng lượng và quản lý chất thải.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu và mối quan hệ đặc biệt với bất bình đẳng giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.