Biến đổi khí hậu sẽ đối xử với nhân loại bình đẳng, không loại trừ ai
Không giống như trước, giờ đây không ai có thể đủ tiền để nói rằng “Tôi quyền lực nên tôi sẽ không bị ảnh hưởng” vì biến đổi khí hậu sẽ đối xử với nhân loại khá bình đẳng. Khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và tương lai đang lên tiếng.
Tương lai đang lên tiếng
Phân biệt chủng tộc, biến đổi khí hậu và sự chia rẽ ngày càng trầm trọng giữa các quốc gia và nền văn hóa là những lý do khiến thế giới hoạt động không như bình thường. Tương lai đang lên tiếng và chúng ta phải nhanh chóng làm gì đó để khắc phục.
Những nội dung kể trên hiện đang thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới tại chương trình nghị sự hôm thứ Tư của Liên Hợp Quốc.
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào đầu năm ngoái, hơn hai chục nhà lãnh đạo thế giới đã đích thân xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày khai mạc cuộc họp cấp cao hàng năm hôm thứ Ba. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra về các vấn đề nổi cộm của thế giới, bao gồm biến đổi khí hậu. Đa phần các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa hành tinh của chúng ta.
Bài phát biểu gây chú ý nhất về cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên biến đổi khí hậu đến từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ông Guterres đã rung lên hồi chuông báo động rằng “thế giới phải thức tỉnh”.
Ông nói: “Thế giới của chúng ta chưa bao giờ bị đe dọa nhiều hơn hoặc bị chia rẽ nhiều hơn. Chúng ta phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời của mình."
Không ai được loại trừ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng phát biểu, bất kỳ ai gây thiệt hại cho thiên nhiên, bầu khí quyển và nước, bất kỳ ai khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách không khoa học thì đều đang góp phần khiến Trái Đất nóng lên.
“Không giống như trước đây, giờ đây không ai có thể đủ tiền để nói rằng ‘Tôi quyền lực nên tôi sẽ không phải chịu trách nhiệm’ vì biến đổi khí hậu sẽ đối xử với nhân loại khá bình đẳng. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta là thực hiện các biện pháp chống lại mối đe dọa to lớn này, với sự chia sẻ gánh nặng một cách công bằng", nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis lại nhìn nhận theo hướng tích cực từ cuộc khủng hoảng Covid-19 ảnh hưởng tới đời sống kinh tế xã hội, môi trường toàn cầu. Ông nói: “Mặc dù đại dịch ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng tôi, nhưng nó cũng mang lại cho chúng tôi cơ hội học hỏi, thích nghi và làm mọi thứ tốt hơn.”
Đối diện với những chỉ trích từ các diễn giả, Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro bác bỏ các ý kiến và đưa ra các dữ liệu gần đây cho thấy rừng Amazon đang ít bị tàn phá hơn. Hiện, những nỗ lực của Brazil đang từng bước thay đổi hình ảnh của đất nước này trên các phương tiện truyền thông, quảng cáo. Những chương trình phúc lợi trong đại dịch của Brazil đã giúp đất nước này tránh được một cuộc suy thoái tồi tệ vào năm ngoái.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu diễn ra ở Mỹ hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã cam kết tăng ngân sách dành cho hoạt động môi trường và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Kết quả nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã giảm 4% so với thời điểm 1 năm trước đó nhưng vẫn lên đến 1.157km2. Trong tháng 4, diện tích rừng bị tàn phá tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên Đỗ