Biến đổi khí hậu khiến nhiều thành phố có nguy cơ bị nhấn chìm
Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp với nhiệt độ tăng cao, thay đổi lượng mưa và nước biển dâng... là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại. Nhiều thành phố trên thế giới có nguy cơ bị "xóa sổ" vĩnh viễn do mực nước biển dâng cao.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, các khu vực ven biển ở vùng trũng dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng 1m - mức mà các nhà khoa học cảnh báo có thể trở thành hiện thực vào năm 2100.
Mực nước biển dâng cao hơn có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại do lũ lụt và triều cường gây ra. Đặc biệt, nhiều thành phố ở ven biển trên thế giới có nguy cơ bị "xóa sổ" khi mực nước biển ngày càng dâng cao do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Amsterdam, Hà Lan
Nằm ở phía Tây Bắc châu Âu, Hà Lan được biết đến là quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Với 1/3 diện tích đất thấp hơn mực nước biển, Chính phủ Hà Lan cho biết 60% quốc gia này nằm trong khu vực có nguy cơ lũ lụt. Mặc dù được bảo vệ bởi một hệ thống đê điều lớn, nhưng thủy triều ngày càng tăng cao và điều kiện thời tiết bất ổn, người Hà Lan có một lý do chính đáng để lo lắng về đất ở và cuộc sống của họ.
Cũng giống như Venice (Ý), thủ đô Amsterdam của Hà Lan có một hệ thống đường thủy chằng chịt trong thành phố, và dự báo sẽ bị nước biển bao phủ nếu mực nước biển dâng thêm 2m nữa.
Nước biển dâng nhanh do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này là một thực tế khẩn cấp, và Chính phủ Hà Lan đang chạy đua với thời gian để giữ cho một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới không bị chìm xuống Biển Bắc.
Tuy nhiên, trong trận lũ lụt lịch sử tại châu Âu vào giữa tháng 7 mới đây, Hà Lan được coi như một "thành trì" vững chắc khi các thị trấn nước này không bị nhấn chìm hoàn toàn như các quốc gia láng giềng và không có người thiệt mạng vì lũ.
Hà Lan có lịch sử lâu đời trong việc quản lý nguồn nước và những thành công của họ khi đối mặt với thảm họa có thể mang tới cho thế giới các bài học về kế hoạch ứng phó lũ lụt, đặc biệt khi biến đổi khi hậu sẽ gây ra nhiều đợt mưa lũ hơn.
London, Anh
Các chuyên gia về khí hậu và cơ sở hạ tầng đã cảnh báo trong nhiều năm rằng London, giống như nhiều thành phố lớn khác, chưa sẵn sàng cho biến đổi khí hậu, với phần lớn thành phố nằm ở vùng đồng bằng và hệ thống thoát nước được xây dựng từ cả trăm năm trước.
Thành phố đã xây dựng một hệ thống đập chắn khổng lồ trên sông Thames để ngăn lũ lụt, nhưng những rào cản này dường như vô hiệu khi xảy ra lũ quét do lượng mưa lớn đột ngột đổ xuống - hiện tượng thời tiết ngày càng phổ biến do nhiệt độ nóng lên. Do đó, các nhà khoa học lo ngại, mực nước biển dâng cao do trái đất nóng lên sẽ nhấm chìm nhiều khu vực ở London.
Thành phố này được xây dựng quanh cửa sông Thames, phần lớn diện tích của thành phố, đặc biệt là phía Nam và phía Tây là một đầm lầy, điều này có nghĩa là phần đất ở đây đã hấp thu quá nhiều nước. Chính vì vậy, nếu nước biển dâng dẫn đến nước sông tràn vào cũng có nghĩa phía Nam London sẽ bị ngập hoàn toàn.
Singapore
Quốc đảo Singapore đang nằm trong tâm điểm của mối đe dọa từ mực nước biển dâng cao, khi băng tan ở hai cực khiến dòng nước đổ về xích đạo. Đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm, Singapore đang dốc toàn lực để đối phó.
Singapore đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỉ SGD (tương đương 73,8 tỉ USD) trong vòng 50 - 100 năm tới nhằm củng cố đường bờ biển trước nguy cơ nước biển dâng cao.
Kế hoạch này bao gồm xây dựng một nhà máy bơm nước tại đập Marina Barrage, lập các vùng đất thấp có đê bọc và đòi lại những hòn đảo ngoài khơi trên bờ biển phía Đông Singapore. Ngoài ra, Singapore cũng nỗ lực phát triển khoa học công nghệ nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Venice, Ý
Venice là thành phố lâu đời và lãng mạn nhất nước Ý, với những cây cầu bắc qua nhiều con kênh ngay trong lòng thành phố. Thế nhưng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đã khiến thành phố ngập trong biển nước. Thành phố lãng mạn này đang chìm nhanh hơn dự tính tới 5 lần và sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào một ngày không xa.
Rất hiếm nơi trên thế giới bị đe dọa bởi khí hậu biến đổi như ở Venice, bởi thành phố được xây dựng trên đầm lầy. Sự tồn tại của thành phố đòi hỏi việc duy trì cân bằng tuyệt đối giữa thành phố và thiên nhiên. Nhưng trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến sự cân bằng đó bấp bênh như "ngàn cân treo sợi tóc".
Hamburg, Đức
Thành phố lớn thứ 2 của Đức nằm trên một vùng lũ của sông Elbe, cách bờ biển phía Bắc chỉ 100 km. Mặc dù được bảo vệ bởi một hệ thống đê điều phòng lũ vững chắc, nhưng thành phố này vẫn thường xuyên bị ngập lụt do mưa nhiều và thủy triều do mực nước biển liên tục dâng cao. Năm 2002, thành phố đã bị thiệt hại ước tính khoảng 20.8 triệu USD do lũ lụt gây ra.
Bên cạnh đó, thành phố này cũng có hệ thống đường thuỷ rộng, với các bến cảng đồ sộ khắp nơi nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao.
Jakarta, Indonesia
Jakarta là một trong những thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới với một phần ba diện tích có thể ngập dưới nước năm 2050.
Nền đất Bắc Jakarta đã sụt xuống 2,5m trong hơn 10 năm qua, và đang tiếp tục sụt lún khoảng 25 cm nữa ở một số khu vực, cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu của các đô thị ven biển. Tốc độ sụt lún trung bình của Jakarta là 1-15 cm một năm, gần một nửa thành phố đang nằm dưới mực nước biển. Ảnh hưởng của nó hiển thị rõ ràng tại khu vực phía Bắc.
Nguyễn Luận (T/h)