Thứ sáu, 22/11/2024 23:30 (GMT+7)
Thứ năm, 25/02/2021 17:17 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân khiến Texas lạnh kỷ lục?

Theo dõi KTMT trên

Đợt lạnh kinh hoàng khiến ít nhất 21 người Mỹ thiệt mạng và gây mất điện nhiều ngày ở Texas đã làm sống lại các cuộc thảo luận khoa học về việc liệu biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân của đợt lạnh ở Mỹ.

Trái Đất nóng lên là nguyên nhân?

Các cơn bão tuyết trong tuần này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và một lần nữa cho thấy rằng các quan chức địa phương, bang và liên bang gần như vẫn chưa làm đủ để chuẩn bị cho kịch bản thời tiết xấu và nguy hiểm hơn.

Theo hãng tin AP, ít nhất 20 người thiệt mạng trong tuần này, gồm các trường hợp tử vong liên quan đến lửa hoặc ngộ độc khí carbon monoxide trong khi chật vật tìm cách sưởi ấm tại nhà. Tại TP.Oklahoma, nhiệt độ có lúc giảm xuống -12 độ C.

Cuộc khủng hoảng bất thường này cũng cho thấy những thách thức mà các nhà hoạch định năng lượng phải đối mặt. Các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên, làm tăng nhu cầu sử dụng điện, gây căng thẳng cho lưới điện đồng thời làm giảm khả năng sản xuất điện do đường ống dẫn khí đốt và các cơ sở hạ tầng năng lượng khác bị ảnh hưởng. Thêm nữa, giống như hai lần mất điện ở Texas năm 2019 và 2021, những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ rất khác nhau và khó dự đoán.

Biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân khiến Texas lạnh kỷ lục? - Ảnh 1
Tuyết phủ dày trên đường phố Texas. 

“Cần chuẩn bị các hệ thống năng lượng để chống chọi với nhiều sự kiện khác nhau: cháy rừng, hạn hán, bão, và giờ là đóng băng sâu,” Daniel Cohan, nhà khoa học khí quyển kiêm giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học Rice, Houston, nói. “Tất cả những sự kiện khí hậu đó đều trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.”

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, những đợt thời tiết cực lạnh cũng có thể xuất phát từ việc hành tinh ấm lên. Kết luận đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng các giả thuyết ban đầu cho rằng khi nhiệt độ ở Bắc Cực tăng lên, không khí lạnh bị đẩy xuống các vĩ độ thấp hơn. Kết quả là một tác động kép kỳ lạ: mùa đông trung bình trở nên ấm hơn, nhưng có thể hứng chịu những đợt lạnh ngắn bất ngờ do không khí vùng cực.

Judah Cohen, nhà khoa học khí hậu và giám đốc dự báo tại Atmospheric and Environmental Research, một công ty phân tích môi trường, ủng hộ giả thuyết này. Nghiên cứu của riêng ông cho thấy mối tương quan thống kê giữa thời tiết ấm áp ở Bắc Cực và thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở Mỹ – khi hiện tượng ấm lên xảy ra ở Bắc Cực, sẽ thường có các đợt bão mùa đông ở Mỹ.

Cohen nói, các nhà hoạch định chính sách nghĩ “lượng khí nhà kính tăng lên dẫn đến mùa đông ấm hơn và ít tuyết hơn”. “Và tôi đang cố gắng tranh luận rằng tình hình phức tạp hơn thế,” Cohen cho biết. Những gì đã xảy ra ở Texas, “thực sự là một trường hợp điển hình về giả thuyết mà tôi đang bảo vệ”.

Việt Nam cũng là "nạn nhân"

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Lao Động, GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay sự nóng lên toàn cầu hay còn gọi là biến đổi khí hậu đang biểu hiện rõ nét.

“Tính bất thường ở chỗ sự nóng lên này không đều ở các vĩ độ khác nhau dẫn đến sự biến đổi trong hoàn lưu khí quyển và đại dương. Sự biến đổi này không chỉ theo phương nằm ngang mà còn theo phương thẳng đứng nữa nên các hiện tượng cực đoan sẽ ngày càng gia tăng” – GS.TS Phan Văn tân phân tích

GS.TS Phan Văn Tân cho rằng, nếu như trước đây về mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mùa hè nhiệt độ cao lên tạo ra một chu trình nhiệt. Thế nhưng bây giờ, nhiệt độ có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với quy luật và đôi khi cực đoan. Không chỉ nhiệt độ, kể cả lượng mưa cũng có thể thay đổi, có những vùng trước đây có thể hạn hán liên miên ít mưa nhưng bây giờ đã ghi nhận những đợt mưa vượt quá kỷ lục.

“Những hiện tượng mưa tuyết, bão tuyết những ngày qua và những năm gần đây ở châu Âu, ở Mỹ hay kể cả những nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc chính là kết quả của biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa là mùa đông nhiệt độ hạ xuống thấp nhiều hơn và mùa hè nhiệt độ tăng lên cao nhiều hơn. Điều này là biểu hiện khá phổ biến trên toàn cầu và ở Việt Nam cũng không loại trừ điều đó” – GS.TS Phan Văn Tân nhấn mạnh.

Theo GS.TS Phan Văn Tân, “thủ phạm” gây mưa tuyết và giá rét kỷ lục ở Mỹ và châu Âu những ngày qua cũng chính là nguyên nhân hàng loạt thiên tai dị thường ở Việt Nam thời gian qua.

“Nếu như những năm trước các phóng viên ảnh phải lên trực vùng Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) để "săn" băng giá, mưa tuyết xuất hiện thì những năm gần đây hiện tượng đó xuất hiện nhiều hơn và không tốn công sức chờ đợi. Năm 2013 tuyết ở Sa Pa dày chưa bao giờ xảy ra, còn năm 2016 tuyết còn rơi ở khu vực phía Bắc Nghệ An” – GS.TS Phan Văn Tân chỉ rõ sự thay đổi của thời tiết.

Theo vị chuyên gia khí tượng này, về mùa hè dấu hiệu biến đổi khí hậu còn rõ nét hơn, nắng nóng kỷ lục liên tiếp xảy ra. Nhiệt độ cao nhất ở mùa hè sau luôn xác lập những kỷ lục mới, có những đợt nắng rất gay gắt kéo dài.

“Ngoài ra, bão "chồng" bão và lũ lụt "nối đuôi' nhau gây thảm hoạ ở miền Trung nước ta trong năm 2020 chính là ví dụ điển hình cho thời tiết ngày càng cực đoan và tác nhân là biến đổi khí hậu” – GS.TS Phan Văn Tân nhấn mạnh.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân khiến Texas lạnh kỷ lục?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới