'Bí kíp' hạn chế nhiễm Covid-19 khi đi máy bay
Theo một nghiên cứu mới của Mỹ, những hàng ghế cuối của máy bay ít có nguy cơ lây truyền giọt bắn hơn do có ít người chọn ngồi sau. Các chuyến bay sắp xếp khoảng cách vị trí ghế ngồi an toàn để giảm thiểu rủi ro nhiễm Covid-19.
Nên ngồi ghế sau 'thời Covid'
Trong nghiên cứu được trang mạng upi.com của Mỹ đăng tải ngày 28/12, giáo sư Sheldon Jacobson tại Trường kỹ thuật thuộc Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) đã cùng các đồng nghiệp sử dụng dữ liệu mới nhất về sự lan truyền của giọt bắn trong không khí khi giả lập mô hình các vị trí ngồi lý tưởng nhất trên những máy bay Boeing thông thường.
Kết quả cho thấy tốt nhất nên bỏ trống các ghế giữa và để cách một số hàng ghế. Ngoài ra, những hàng ghế cuối của máy bay ít có nguy cơ lây truyền giọt bắn hơn do có ít người chọn ngồi sau. Do đó, các chuyến bay có đông khách, có thể bố trí khách ngồi các hàng ghế sau, cách này cũng giúp các khoang trên rộng rãi hơn.
Một cách sắp xếp an toàn khác mà các hãng hàng không có thể áp dụng để giảm thiểu rủi ro là bố trí các gia đình hoặc nhóm các hộ gia đình ngồi cùng nhau.
Đồng tác giả nghiên cứu, cử nhân khoa khoa học máy tính, Ian Ludden, cho biết: "Thông thường, các hãng hàng không thường chia nhỏ các nhóm khách, nhưng nếu được thì nên ưu tiên sắp xếp những người trong cùng nhóm ngồi gần nhau, như vậy sẽ "khoanh vùng" được các nguy cơ, nếu có, từ đó về tổng thể sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan trên máy bay".
Tất nhiên, điều quan trọng là tất cả hành khách khi đi máy bay đều phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Nghiên cứu trên chỉ ra rằng việc đeo khẩu trang thường xuyên giúp giảm 30% nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2, bất kể việc bố trí chỗ ngồi như thế nào.
Thêm một "bí kíp" an toàn nữa là hành khách đi máy bay nên mở các lỗ thông gió ngay phía trên đầu chỗ ngồi của họ.
Giáo sư Jacobson nhấn mạnh dù không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro, nhưng việc giảm bớt các nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là điều có thể.
Chủng Omicron làm khó việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ
Cục Hàng không cho biết hiện nay cả 9 thị trường hàng không Việt Nam có kế hoạch chuyến bay quốc tế trở lại trong giai đoạn đầu đều đã xuất hiện chủng Omicron. Do vậy, các quy định mới về kiểm soát biến chủng mới này đều ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay đã và đang triển khai.
Cụ thể, công điện 9406/CĐ-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 23/12 về tăng cường kiểm soát diễn biến chủng mới Omicron có quy định test nhanh đối với hành khách đến Việt Nam trước khi lên và khi xuống máy bay.
Theo tìm hiểu của Cục Hàng không, hiện các sân bay tại Nhật Bản, Mỹ đã có test trực tiếp với thời gian có kết quả và chi phí khác nhau (sân bay Narita, Tokyo sẽ có kết quả sau 2 giờ và chi phí xét nghiệm 30.000 yen, tương đương 270 USD).
Yêu cầu test nhanh với khách đi chuyến bay quốc tế mới phát sinh ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản 10688 ngày 16/12 về phòng, chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh. Cho nên Cục Hàng không sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác còn lại để bổ sung quy định về test nhanh trước khi lên máy bay.
Còn tại các sân bay Việt Nam, Cục Hàng không sẽ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phối hợp cơ quan y tế địa phương tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở hành khách tự chịu chi phí. Tuy nhiên, việc tổ chức test khi nhập cảnh sẽ mất thời gian chờ đợi của hành khách và gây ùn tắc. Đặc biệt, việc test nhanh này chưa có hướng dẫn về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính.
Như vậy, Cục Hàng không nhận định trong giai đoạn trước mắt, để đảm bảo tuân thủ theo công điện, các hãng hàng không chỉ có thể tổ chức chuyến bay từ Nhật Bản và Mỹ.
Nguyễn Linh (T/h)