Thứ sáu, 22/11/2024 18:58 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/07/2021 07:52 (GMT+7)

'Bát nháo' phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên

Theo dõi KTMT trên

Những lợi ích kinh tế từ cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo nên làn sóng đầu tư ồ ạt vào các dự án điện mặt trời ở các tỉnh Tây Nguyên, gây ra nhiều khó khăn, bất cập.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nguồn năng lượng này trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh những hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội mà điện mặt trời mang lại thì tại nhiều địa phương, việc phát triển điện mặt trời đã trở thành trào lưu, dẫn đến nhiều bất cập, thậm chí có hiện tượng lợi dụng chính sách để thu lợi từ điện mặt trời.

Phát triển “nóng”

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội dành nhiều sự quan tâm, thậm chí đặt câu hỏi có hay không những tiêu cực trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà; trong đó, các tỉnh Tây Nguyên là một trong những “điểm nóng” về vấn đề này.

'Bát nháo' phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên - Ảnh 1
(Ảnh minh họa: Tiên Minh/TTXVN)

Những lợi ích kinh tế từ cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo nên làn sóng đầu tư ồ ạt vào các dự án điện mặt trời ở các tỉnh Tây Nguyên, gây ra nhiều khó khăn, bất cập.

Tại tỉnh Gia Lai, tính đến hết ngày 31/12/2020 đã có hơn 3.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đấu nối và phát điện lên lưới với tổng công suất hơn 600 MWp.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho hay, chỉ trong một thời gian ngắn, điện mặt trời phát triển quá nhanh dẫn đến nhiều vấn đề bất cập.

Đặc biệt, nhiều vấn đề xoay quanh điện mặt trời kết hợp với trang trại nông nghiệp; trong đó, nổi lên việc nhiều nhà đầu tư cố gắng xây dựng phần điện mái nhà để kịp thời đấu nối nhằm hưởng chính sách ưu đãi theo cơ chế khuyến khích của Chính phủ. Còn mục tiêu của trang trại thì chưa đạt được tiêu chí.

Theo ông Nguyễn Kim Chiến, Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum, hiện tỉnh có 1.455 dự án điện mặt trời mái nhà của các tổ chức, cá nhân với tổng công suất hơn 161 MW; trong đó, điện mặt trời mái nhà dưới 1 MW có 163 dự án với công suất hơn 126 MW.

Một trong những bất cập dễ dàng nhận thấy là để hưởng chính sách ưu đãi về giá điện, dự án điện mặt trời mái nhà phải dưới 1 MW, các dự án này không cần đưa vào quy hoạch của Bộ Công Thương lẫn địa phương.

Nhà đầu tư cũng không cần điều kiện về năng lực hoạt động điện lực (giấy phép hoạt động điện lực) nên ai làm cũng được.

Bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà được đặt trên mái của công trình xây dựng như trang trại trồng dược liệu, nấm, chăn nuôi sản xuất nông nghiệp…. Các trang trại được miễn giấy phép xây dựng, chỉ cần chính quyền cơ sở (xã, phường) xác nhận là được. Chính cơ chế hình thành các trang trại điện mặt trời khá thông thoáng đã dẫn giúp lĩnh vực này phát triển rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn.

Tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, một trong những địa phương đang có sự phát triển “nóng” về điện mặt trời, đến đầu năm 2021 đã có 118 công trình điện mặt trời với tổng công suất 40,3 MWp; trong đó, có 41 công trình điện mặt trời mái nhà kết hợp trang trại nông nghiệp và 77 công trình của hộ gia đình.

Theo ông Tống Giang Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đạ Tẻh, không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế từ điện mặt trời. Tuy nhiên khi phát triển “nóng,” điện mặt trời cũng nảy sinh nhiều vấn đề như: ảnh hưởng môi trường chưa được đánh giá chi tiết; vấn đề xử lý tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng cũng chưa có phương án cụ thể.

“Chạy đua” để hưởng lợi chính sách

Trước cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ, hàng loạt các tổ chức, cá nhân đã đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời. Đặc biệt, có dấu hiệu “chạy đua” hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2020 để hưởng giá bán ưu đãi, thậm chí một số trang trại điện mặt trời chưa đủ các điều kiện theo quy định cũng đi vào hoạt động.

Điều này được minh chứng bởi hàng loạt kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian vừa qua.

'Bát nháo' phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên - Ảnh 2
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên trang trại sản xuất nông nghiệp, chủ trang trại chỉ trồng đinh lăng, nuôi gà, dê, trồng nấm… với quy mô nhỏ, mang tính chất “đối phó”, không đảm bảo quy mô đã đăng ký và chưa phù hợp với kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TTBNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí kinh tế trang trại.

Cùng thực trạng trên, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, trong tổng số 431 công trình điện mặt trời theo mô hình trang trại nông nghiệp, có tới 302 công trình chưa triển khai mô hình kinh tế trang trại. Trong số này, có 9 công trình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho rằng, việc hầu hết các chủ trang trại chưa triển khai mô hình kinh tế trang trại là do các chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm trong vấn đề đầu tư công trình trang trại nông nghiệp.

Đặc biệt, một số công trình còn thiếu hồ sơ, thủ tục xây dựng, chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, chưa đảm bảo trang thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn được nghiệm thu, đóng điện và hưởng ưu đãi của Chính phủ.

Tình trạng trên cũng phổ biến tại tỉnh Kon Tum và trong số 163 dự án điện mặt trời mái nhà của tỉnh thì đã có 101 dự án kết hợp làm nông nghiệp với tổng công suất gần 88 MW.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum khẳng định, hầu như các dự án điện mặt trời kết hợp với làm nông nghiệp công nghệ cao chỉ là “lách” quy định để hưởng lợi vì trên thực tế gần như chỉ phát triển điện. Còn việc sản xuất nông nghiệp gần như không diễn ra hoặc chỉ dừng lại ở mức “đối phó”.

Ngoài ra, dự án phải hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2020 mới được hưởng mức giá thu mua ưu đãi là 8,38 cent/kWh.

Theo tính toán của các nhà đầu tư, mức giá 8,38 cent/kWh (tương đương gần 2.000 đồng cho mỗi kWh), kéo dài trong 20 năm là cực hấp dẫn. Với mức giá mua điện này, chỉ trong vòng 5 năm nhà đầu tư sẽ thu hồi lại vốn.

Từ thực tế trên có thể khẳng định, trước sự hấp dẫn về lợi nhuận sau chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ, các nhà đầu tư đã “làm ngơ” những cam kết đã ký trước đó, thậm chí “bỏ qua” những quy định của pháp luật để đầu tư dự án với mục đích hoàn thành và phát điện trước ngày 31/12/2020.

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết 'Bát nháo' phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới