Vĩnh Long: Hàng loạt sai phạm trong đầu tư điện mặt trời bị 'điểm mặt'
Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, sai phạm phổ biến tại các dự án điện mặt trời mái nhà là lắp trên mái công trình nông nghiệp, dưới hình thức trang trại nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí về trang trại.
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của Công ty Điện lực Vĩnh Long đã kiểm tra việc triển khai các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Được biết, để hưởng mức giá FIT ưu đãi (giá mua bán điện cố định trong 20 năm), nhiều dự án điện mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long đã gấp rút triển khai, kịp nghiệm thu, đóng điện trước ngày 31/12/2020. Trước quá trình phát triển ồ ạt của các dự án, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo các công ty điện lực tổ chức việc kiểm tra tuân thủ theo quy định trong quá trình thực hiện nghiệm thu, đóng điện.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành rà soát 44/60 công trình bao gồm: 11 công trình năng lượng mặt trời (NLMT) lắp trên mái nhà công trình với hình thức lập trang trại; 28 công trình NLMT lắp trên mái nhà công trình công nghiệp và 5 công trình NLMT lắp trên mái nhà dân dụng.
Theo ông Phạm Tứ Phương - Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long, qua kiểm tra hơn 40 dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn, Sở phát hiện một số sai phạm trong đầu tư, công tác nghiệm thu, đấu nối các dự án điện mặt trời mái nhà.
Trong đó, sai phạm phổ biến tại các dự án điện mặt trời mái nhà trang trại tại Vĩnh Long là lắp trên mái công trình nông nghiệp, dưới hình thức trang trại nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí về trang trại.
Cụ thể, tại Điện lực Vũng Liêm, đoàn kiểm tra phát hiện 2 dự án điện mặt trời lắp trên mái công trình nông nghiệp với hình thức lập trang trại chưa đảm bảo một số tiêu chí về trang trại, còn có sai lệch công suất pin giữa hồ sơ nghiệm thu và hợp đồng mua bán điện.
Tại Điện lực Tam Bình, đoàn kiểm tra phát hiện 4 dự án điện mặt trời mái nhà nông nghiệp theo hình thức lập trang trại chưa đảm bảo tiêu chí về trang trại của 4 doanh nghiệp. Trong đó, 2 dự án có công suất nghiệm thu ngày 30/12/2020 khác với công suất trên hợp đồng mua bán điện ngày 31/12/2020, việc nghiệm thu đợt 2 và trong hồ sơ nghiệm thu có giấy xác nhận của địa phương không phù hợp với quy định.
Về những trường hợp dự án điện mặt trời mái nhà trang trại được cho là ký khống và có móc nối giữa chủ đầu tư và điện lực để hưởng giá FIT ưu đãi cao, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long cho biết, quá trình xác minh thực tế, rà soát lại cùng với phía điện lực số dự án này, cơ quan quản lý nhận thấy không có hiện tượng ký khống hợp đồng hay hồ sơ nghiệm thu khi dự án hoàn toàn chưa triển khai gì. Thực tế, sai phạm ở đây là tại thời điểm điện lực tiến hành nghiệm thu chủ đầu tư chưa lắp đặt xong số lượng pin theo công suất đăng ký. Sau khi hoàn thành nghiệm thu, họ tranh thủ chưa tới thời hạn 31/12/2020 thì lắp đặt tiếp.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã có buổi làm việc cùng Điện lực Vĩnh Long. Báo cáo giải trình của Điện lực Vĩnh Long chỉ rõ, tại ngày 31/12/2020 do số lượng dự án cần nghiệm thu, đấu nối lớn, điện lực không bố trí đủ cán bộ. Tuy nhiên, ông Phương nhận xét, cán bộ điện lực Vĩnh Long đã "chạy đua theo thành tích" nên đã có những sai sót về quy trình.
"Có những sai sót do yếu tố khách quan có thể chấp nhận, nhưng cũng có những sai phạm cần khắc phục", ông Phương nói và cho biết, Sở Công Thương đã đề nghị Công ty Điện lực Vĩnh Long rà soát, xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan trong những vi phạm này.
EVN nói gì trước hàng loạt sai phạm về điện mặt trời?
Trả lời trên Báo Giao Thông, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc ký hợp đồng mua bán điện thì Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, xử lý vi phạm. Còn sai phạm về việc "ký khống, sửa biên bản nghiệm thu" thì ngành điện sẽ xử lý. Nhưng cấp cán bộ nào, với sai phạm cụ thể thì phải làm rõ. Còn việc chứng nhận có đủ điều kiện hay không thì do địa phương.
Đại diện EVN cho biết, EVN đã chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khẩn trương kiểm tra, xác minh tại Công ty Điện lực Vĩnh Long và Sóc Trăng. Ngoài ra, EVN cũng yêu cầu EVNSPC tổ chức kiểm tra, rà soát đối với các dự án điện mặt trời mái nhà của toàn bộ các Công ty Điện lực trực thuộc. Kết quả kiểm tra, rà soát sẽ được EVNSPC công khai.
Trước đó, từ ngày 5/7, báo chí đã phản ánh về việc nhiều dự án điện mặt trời tại ĐBSCL đã được điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế (cụ thể tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Trong đó, trên địa bàn huyện Vũng Liêm, công trình NLMT 999,8 kWp của Công ty TNHH Phú Nguyên Khang, hợp đồng mua bán điện mặt trời do Giám đốc Điện lực huyện Vũng Liêm đã ký có tổng công suất tấm pin 999,8 kWp (2.222 tấm pin x 450 kWp).
Tuy nhiên, trong biên bản nghiệm thu ngày 29/12/2020, tổng công suất pin chỉ mới ở mức 49,9 kWp (111 tấm pin x 450 kWp). Còn kết quả kiểm tra hiện trường ngày 7/4/2021 của cơ quan chức năng, tổng công suất pin đã lắp đặt đến thời điểm đó cũng mới đạt 727,2 kWp (1.616 tấm pin x 450 kWp).
Như vậy, tổng công suất pin mà phía điện lực đã ký hợp đồng mua điện với khách hàng lớn hơn so với biên bản nghiệm thu là 949,9 kWp, so với thực tế kiểm tra hiện trường khách hàng đã lắp đến ngày 7/4/2021 là 272,6 kWp… Tính theo cách trên, dự án này nếu qua mặt được, sẽ “ăn” thêm tiền của ngành điện khoảng 830 triệu đồng/năm.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng - Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ cho biết, nếu cơ quan điều tra làm rõ có sự lót tay, chung chi cho người có thẩm quyền để được đấu nối và ký hợp đồng trước rồi mới thực hiện việc lắp đặt dần dần các tấm pin để đủ công suất đã đăng ký, thì đã có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ”. Bên cạnh đó, việc gây thất thoát cho Nhà nước do kê số điện khống để được hưởng ưu đãi giá cao có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Lan Anh