Thứ năm, 25/04/2024 00:30 (GMT+7)
Thứ năm, 10/03/2022 16:00 (GMT+7)

"Bất lực" vì xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công Thương khuyến khích người dân dùng tiết kiệm

Theo dõi KTMT trên

Đó là một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tăng cường giám sát kinh doanh xăng dầu

Trong thời gian gần đây, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu tại thị trường trong nước. Để bảo đảm duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu và chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.

Hai là, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu..., trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định.

Ba là, chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới.

Bốn là, Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu; khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83.

"Bất lực" vì xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công Thương khuyến khích người dân dùng tiết kiệm - Ảnh 1
Bất lực trước xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công Thương khuyến nghị người dân dùng tiết kiệm và hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Năm là, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành về công tác điều hành xăng dầu; tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.

Giá xăng tăng, áp lực lạm phát lớn

Tình trạng giá xăng dầu tăng cao liên tục trong thời gian qua đang ảnh hưởng nhiều tới các mặt đời sống người dân. Dự kiến, giá xăng dầu trong nước sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong phiên điều chỉnh ngày mai (11/3).

Giá dầu thế giới tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng trong suốt gần 2 tuần qua, sớm hơn và vượt qua cả những dự báo về khả năng giá dầu tăng trên 100 USD của năm 2022. Theo giới phân tích, giá dầu đã tăng khoảng 60% kể từ đầu năm 2022 tới nay, gây áp lực lạm phát và khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ.

Nhằm giảm áp lực tăng giá xăng dầu tại thị trường trong nước trong thời gian tới để giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế, cơ quan quản lý cần tính tới phương án giảm thuế, phí phù hợp đối với mặt hàng này.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM nhận định, trong năm 2022 giá xăng trong nước đã tăng 15,34 % trong 2 tháng đầu năm, nếu tính cả năm 2022 giá xăng có thể tăng không dưới 40%, khi ấy lạm phát ở Việt Nam sẽ vượt qua con số 11%, cao hơn mức lạm phát mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 4%.

Ở khía cạnh khác, giá xăng dầu tăng 1% sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm 0.07%, như vậy nếu giá xăng dầu tăng khoảng 40% sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng giảm 2,7%, chúng ta khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6 đến 6.5% như Quốc hội đề ra.

Hơn nữa, chính sách tài khóa của Chính phủ cũng tăng áp lực lên lạm phát và lạm phát gia tăng có thể dẫn tới việc tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, điều này lại làm cho vòng xoáy của lạm phát gia tăng.

“Nếu giá xăng tăng lên đến 30 nghìn đồng/lít, điều này có thể xảy ra trong tương lai gần, thì tất cả áp lực lên lạm phát, tăng trưởng và mục tiêu kiểm soát lạm phát, phục hồi nền kinh tế là rất khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi, trong bối cảnh ảnh hưởng kép của Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraine” - PGS.TS Nguyễn Hồng Nga thông tin.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn Quỹ bình ổn giá được lập trên cơ sở trích lập từ mỗi lít xăng dầu tiêu thụ, thời gian qua để góp phần kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, nhiều thời điểm phải vừa “trích” vừa “chi”; trích ít, chi nhiều; thậm chí không trích vẫn chi, dẫn đến “âm quỹ”.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô, vì vậy, cần phải tính đến nguồn Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước trên cơ sở trích nộp từ nguồn dầu thô xuất khẩu để tăng hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn, vừa góp phần chủ động ứng phó với những biến động mạnh giá dầu thế giới, vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả, giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí của quốc gia. Vì vậy, trong ngắn hạn, để chủ động điều hành, ứng phó với biến động của giá dầu thế giới, cần tính tới việc giảm thuế, phí phù hợp hơn.

Mặt khác, việc Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế bảo vệ môi trường đối với dầu ở mức giảm 500 đồng/lít và xăng là 1.000 đồng/lít là thấp, cần phải giảm mạnh hơn nữa. Trong cơ cấu giá xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng (trừ etanol) đang là 4.000 đồng/lít; Dầu diesel và mazut là 2.000 đồng/lít; Dầu hỏa là 1.000 đồng/lít (Bộ Công Thương - cơ quan điều hành giá xăng dầu đề xuất giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành).

Các chuyên gia cho rằng, nếu giá dầu thế giới tiếp tục “leo thang”, Việt Nam cần tính tới các giả định, dự báo về khả năng giá dầu có thể lên tới 200 USD/thùng, thậm chí 300 USD để có phương án điều chỉnh giảm các loại thuế, phí khác trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi xăng dầu là loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, không nên coi là hàng hoá đặc biệt. 

"Bất lực" vì xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công Thương khuyến khích người dân dùng tiết kiệm - Ảnh 2
Ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu được tăng kịch khung. Hiện mức thuế áp dụng với mặt hàng xăng là 4.000 đồng và dầu là 2.000 đồng/lít.

Theo tính toán tỉ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao, chiếm khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu, trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.

Ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay đang có thảo luận về việc có nên dừng thu thuế môi trường trong xăng dầu hay không vì chi phí này đang chiếm khoảng 3.800 đồng trong 1 lít xăng, là mức tương đối cao so với mức giá xăng hơn 24.000 đồng/lít hiện nay.

Nếu giảm được thuế này sẽ góp phần giảm giá xăng, giúp kiểm soát hoặc ít nhất là ổn định được lạm phát trước áp lực lạm phát tăng do tăng chi phí từ bên ngoài.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Bất lực" vì xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công Thương khuyến khích người dân dùng tiết kiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới