Bất động sản văn phòng ở Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu thế giới
Theo Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield Matthew Bouw, sự tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản (BĐS) ở châu Á – Thái Bình Dương cho đến năm 2030 chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, nhu cầu văn phòng tại châu Á chịu tác động từ các xu hướng gồm tăng trưởng dân số, tăng trưởng GDP, sự phát triển của người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động và tăng trưởng lao động trí thức.
Theo Matthew Bouw, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ cần 1,35 tỉ feet vuông văn phòng (tương đương 125 triệu m2) trong thập kỷ tới, tăng 66% so với 800 triệu feet vuông được thuê bởi các doanh nghiệp trong 10 năm trước đó.
Ông cũng cho biết, “55% khối lượng xây dựng văn phòng trên toàn thế giới là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ nay đến cuối năm 2024, chúng tôi dự kiến mỗi năm có khoảng 120 triệu feet vuông diện tích văn phòng được xây dựng”.
Được biết, 1,94 tỉ feet vuông văn phòng hạng A trên toàn thế giới đã được xây thêm từ năm 2010 đến năm 2020. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tỉ lệ lớn nhất với 42%, vượt qua cả châu Âu và châu Mỹ. Trong thập kỷ tới, thế giới sẽ cần 2,1 tỉ feet vuông văn phòng, 65% trong số đó nằm ở châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, sự tăng trưởng của lĩnh vực BĐS ở châu Á – Thái Bình Dương cho đến năm 2030 chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực.
Dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng từ 87 nghìn tỉ USD lên khoảng 114 nghìn tỉ USD đến cuối thập kỷ này. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu thế giới, không chỉ là nền kinh tế lớn nhất, mà còn là nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu.
Matthew Bouw cho rằng, nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm 40% tổng sản lượng GDP của thế giới. Dẫn đầu mức tăng trưởng này là Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực ASEAN.
Trong đó, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 8 nghìn tỉ USD vào cuối thập kỷ này. Điều đó tương đương với mức tăng trưởng 59% của nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, từ khoảng 14 nghìn tỉ USD lên 22 nghìn tỉ USD, và gấp ba lần quy mô của kinh tế Pháp. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ tăng trưởng 25% vào thời điểm đó, do vậy nền kinh tế Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, hoạt động của thị trường BĐS cũng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong số 7,8 tỉ người trên thế giới thì có khoảng 3,7 tỉ người thuộc tầng lớp trung lưu, trong đó 2 tỉ (tương đương 54%) sống ở khu vực này. Từ năm 2020 đến năm 2030, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield chỉ ra rằng thế giới sẽ có thêm khoảng 1,67 tỉ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, trong đó khoảng 1,5 tỉ người sẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như vậy, tất cả các loại hình BĐS, bao gồm BĐS văn phòng, bán lẻ, công nghiệp, hậu cần, khách sạn, nhà ở, đều sẽ chứng kiến nhu cầu tăng trưởng đáng kể trong suốt thập kỷ này, Matthew Bouw nhấn mạnh.
Nhu cầu thị trường lớn tại Việt Nam
Thị trường BĐS văn phòng tại Việt Nam được nhiều chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng mạnh khi nhu cầu lao động tăng và GDP dự kiến tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm vị trí làm việc.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, nhờ nền kinh tế tiếp đà phục hồi, quý I/2021 mặc dù dịch Covid-19 quay lại nhưng tình hình hoạt động của thị trường BĐS văn phòng ở cả Hà Nội và TP.HCM đều ở mức khả quan. Giám đốc CBRE Hà Nội cũng cho biết, trong quý I/2021, các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và sản xuất tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu thị trường BĐS văn phòng.
Còn theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cả hai thành phố lớn đều là điểm sáng trong thị trường BĐS văn phòng quý I. Giá thuê hạng A tại thị trường Hà Nội giữ ổn định ở mức 33 USD/m2, TP.HCM có mức giá cao hơn, đạt 50 USD/m2/tháng. Số lượng giao dịch của các tòa nhà văn phòng trong năm 2020 và quý I/2021 cao đến 40% so với cùng thời điểm năm 2019.
Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển văn phòng ra khu vực ngoài trung tâm vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh cũng đang tìm kiếm văn phòng ở các thành phố lớn để đặt văn phòng đại diện.
Liên quan đến vấn đề giá thuê văn phòng, bà Minh đánh giá, hiện Hà Nội vẫn đang thấp hơn so với TP.HCM và các thành phố khác trong khu vực, đặc biệt trong phân khúc hạng A. Giá thuê văn phòng hạng A của hai thành phố này đều phụ thuộc vào nguồn cung tương lai của thị trường hơn là vấn đề liên quan tới dịch Covid-19. Các tòa nhà vừa gia nhập thị trường với nguồn cung lớn thường sẽ giảm giá thuê trong năm đầu tiên để thu hút khách; giá thuê sẽ tăng dần theo các năm tiếp theo.
So với thị trường văn phòng các nước khác, nguồn cung của thị trường văn phòng Hà Nội được đánh giá là thấp hơn so với Singapore, Bangkok (Thái Lan). Chính bởi yếu tố giá thuê thấp hơn so với các nước trong khu vực trong khi tiềm năng phát triển kinh tế rất tốt, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng phát triển thị trường văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo nhận định của các chuyên gia Savills Việt Nam, thị trường văn phòng TP.HCM được kỳ vọng tăng trưởng khi nhu cầu tuyển dụng lao động được dự báo lên đến 300.000 việc làm trong năm 2021, tăng 10% theo năm. Còn tại Hà Nội dự kiến sẽ đón nhiều nguồn cung mới, với hơn 200.000 m2 văn phòng, nhiều nhất kể từ năm 2011.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, thị trường văn phòng tại Việt Nam đang hồi phục theo hướng tích cực với sự quay trở lại của các giao dịch đến từ việc mở rộng mặt bằng của khách thuê. Một vài khách thuê còn chuyển sang các văn phòng có vị trí và chất lượng tốt hơn mặc dù giá thuê cao hơn.
Qua khảo sát nhu cầu thuê của CBRE cho thấy, khách thuê ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khá lạc quan với xu hướng mở rộng thêm diện tích văn phòng cho thuê so với các khu vực khác trên thế giới.
Bên cạnh các yếu tố về tài chính, an toàn, sức khỏe nhân viên, thì những yếu tố liên quan đến tối ưu hóa và đa dạng không gian làm việc linh hoạt vẫn góp một phần không nhỏ tới quyết định chọn mặt bằng thuê trong tương lai.
Lan Anh (T/h)