Bất động sản khó khăn, CenLand mỗi tháng chịu lỗ khoảng 2 -3 căn chung cư
"Trung bình mỗi tháng tôi phải bỏ ra khoảng 2-3 căn chung cư coi như lỗ để nuôi công ty và tôi nghĩ là tôi còn khoảng vài trăm căn để có thể lo liệu cho công ty qua giai đoạn này", Chủ tịch CenLand Nguyễn Trung Vũ chia sẻ.
Thị trường còn khó khăn trong vài năm tới
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào chiều ngày 26/4, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) cho biết, năm vừa qua là một năm rất buồn của ngành bất động sản và không thể biết bao giờ thị trường mới gượng dậy được.
Những tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022, chỉ riêng doanh thu môi giới một tháng của CenLand đã là 300 tỷ đồng. Nhưng tới thời điểm hiện tại mỗi tháng doanh thu mảng này không nổi 20 tỷ đồng.
“Thị trường quay đầu khủng khiếp và cũng không thể biết được những diễn biến sắp tới. Đội sale bất động sản gần như bỏ nghề tới 90%. CenLand bán hai dự án rất lớn của một doanh nghiệp lớn nhưng hiện nay chủ đầu tư này cũng không có khả năng trả tiền bán hàng cho chúng tôi”, ông Vũ cho hay.
Chủ tịch CenLand cho rằng, việc thắt chặt tín dụng của Việt Nam quá đột ngột và quá sốc, trong khi pháp lý bị tắc dài hạn. Trong vòng một năm qua cả TP Hà Nội chỉ duyệt một vài dự án. Thời điểm cuối năm 2021 gần như dự án nào mở ra cũng bán được không cần biết giá bao nhiêu, còn bây giờ thì tắc thanh khoản hoàn toàn. CenLand cũng như các công ty môi giới khác gần như gãy hệ thống, 10 bạn môi giới thì 9 bạn bỏ nghề vì không dám nghe điện thoại.
Cũng theo Chủ tịch CenLand, từ năm 2012 đến nay đã hơn 10 năm, bất động sản chỉ có tăng giá và chưa bao giờ xuống giá. Năm 2013 Luật Đất đai ra đời, năm 2015 Luật Kinh doanh bất động sản ra đời cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, cùng với đó là gói 30.000 tỷ cho vay NOXH,… Tức là có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho người mua nhà trong giai đoạn vừa qua.
Đến giai đoạn cuối năm 2018 đầu năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) gặp vấn đề liên quan đến pháp lý, thị trường có trầm hơn. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 - 2021, khi dịch COVID-19 xảy ra, thị trường bất động sản lại tăng nóng.
“Nhìn chung trong hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản toàn là màu hồng và tăng trưởng rất nhanh. Đánh giá tình hình ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn trong vài năm tới chứ không thể phục hồi ngay được. Bởi thị trường bây giờ đã lớn, giống như một đoàn tàu dài, nếu muốn quay lại sẽ phải chờ khá lâu chứ không dễ như một số nhận định lạc quan”, vị này nhận định.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng
Sau một năm nhiều biến cố thăng trầm, hiện đã có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự tháo gỡ về pháp lý và vốn, thị trường bất động sản năm 2023 được kỳ vọng sẽ hồi phục khi trái phiếu doanh nghiệp được gỡ khó, lãi suất vay hạ và dòng tiền sẽ quay trở lại, nguồn cung trên thị trường bất động sản sẽ tăng trở lại và hoạt động mở bán các dự án mới được đẩy mạnh.
Mặc dù có những tín hiệu khả quan nhưng nhìn chung mức độ hồi phục của thị trường còn khá yếu và chưa rõ nét, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn khá nhiều những thách thức không nhỏ cần tháo gỡ và diễn biến khó lường.
Trên cơ sở này, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT, thay mặt HĐQT công ty trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 3.050 tỷ đồng, giảm 12% và lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ, giảm 32% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, LNST thuộc về công ty mẹ năm 2022 trên BCTC hợp nhất ghi nhận gần 191 tỷ đồng, doanh nghiệp dự kiến trích 10% cho quỹ dự phòng tài chính và 7% cho quỹ khen thưởng phúc lợi. Tổng LNST sau khi trích lập các quỹ cộng với phần lợi nhuận các năm trước còn để lại gần 585 tỷ đồng, doanh nghiệp dự kiến trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
Theo tờ trình tại Đại hội, số lượng thành viên HĐQT được bầu là 6 người. Cụ thể, gồm: Ông Nguyễn Trung Vũ, ông Phạm Thanh Hưng, bà Nguyễn Minh Hồi, ông Chu Hữu Chiến, ông Nguyễn Đức Vui và bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh.
Hồng Nga