Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp khi tham gia RCEP
Các doanh nghiệp cần hiểu rõ các quy định về phòng vệ thương mại trong nhằm chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong quá trình tham gia hiệp định.
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thông tư này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi của RCEP cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, các nước thành viên RCEP đã thực hiện 93 biện pháp phòng vệ thương mại với các ngành hàng như thép, sợi, gỗ… của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của các nước RCEP, chủ yếu trong các ngành kim loại, sợi, chất tạo ngọt...
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với các hiệp hội và địa phương phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ các quy định về phòng vệ thương mại trong RCEP và Thông tư số 07/2022/TT-BCT nhằm chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong quá trình tham gia hiệp định.
Thị trường lớn
RCEP - được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand ký kết - có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. RCEP tạo ra một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 26.200 tỷ USD - tương đương 30% GDP toàn cầu.
Trang Capital.com của Anh ngày 14/2 đăng bài nhận định, Việt Nam được kỳ vọng trở thành nước hưởng lợi đáng kể từ RCEP, có hiệu lực vào đầu năm 2022 - vốn được nhiều người coi là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới.
Báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc ngân hàng DBS Singapore cũng nhấn mạnh, các mức thuế hiệu quả của Việt Nam đối với thương mại nội khối RCEP ở mức trung bình và thấp hơn so với Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong khi đó, hội nhập thương mại giữa Việt Nam và các thành viên RCEP đã ở mức cao và sẽ ngày càng chặt chẽ hơn khi các công ty khai thác lợi ích của RCEP. Việt Nam liên tục nhập khẩu một lượng hàng hóa đáng kể từ các đối tác RCEP.
Báo cáo cũng lưu ý RCEP mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng cường xuất khẩu sang các đối tác thuộc hiệp định. Bên cạnh đó, RCEP còn mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Báo cáo của ngân hàng Singapore nêu rõ: "Dù Singapore tiếp tục nhận được tỷ trọng lớn của FDI, dòng vốn vào Việt Nam đang có xu hướng cao hơn và được xếp hạng trong 3 nước nhận nhiều FDI nhất trong ASEAN+6 (ASEAN cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand). Việt Nam tiếp tục có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài".
Nhiều cơ hội
Tại Hội thảo trực tuyến "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp cần biết" diễn ra vào tháng 11/2021, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc quốc gia Chương trình Aus4Reform đánh giá:
"RCEP nhận được sự quan tâm từ các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp và các học giả Việt Nam. Ý tưởng về RCEP được hình thành trong bối cảnh nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009".
Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định RCEP, trước hết, doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như những tác động dự kiến của các cam kết này.
Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế có các mặt hàng sử dụng nhiều lao động chi phí thấp như: Nông sản, dệt may, hàng công nghiệp điện tử và linh kiện... cho nên cơ hội gia tăng xuất khẩu rất lớn. Việt Nam có khoảng 90% doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên có cơ hội lớn để phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hay tập đoàn quy mô lớn cũng có cơ hội mở rộng mạng lưới hoạt động thương mại và đầu tư sang các nước trong RCEP.
Thách thức lớn
Ở một góc nhìn khác, chia sẻ với báo chí trước đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ ra hàng loạt thách thức mà Việt Nam và các nước ASEAN có thể sẽ phải đương đầu khi ký kết Hiệp định RCEP.
"Ngay từ khi biết tin Việt Nam cùng các đối tác ASEAN ký kết RCEP với 5 đối tác lớn, tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo và tôi lo nhiều hơn! Nguyên nhân là bởi vì thông qua ASEAN, Việt Nam đã ký kết FTA với nhiều quốc gia trong số 5 quốc gia kể trên nhưng Việt Nam vẫn khai thác chưa hiệu quả. Ngoài ra, đây là hiệp định chung của ASEAN, Việt Nam ở thế phải tham gia và chúng ta phải lựa chọn các bước đi chiến lược để lấy lợi ích và hạn chế những thách thức trước mắt...
Để đánh giá, từ năm 2003 đến nay, qua các FTA song và đa phương, Việt Nam đã có những thành công về nhiều mặt. Tuy nhiên, có những vấn đề đặt ra nỗi lo cho đất nước, như việc Việt Nam khai thác thị trường của các nước khác kém hơn các đối tác họ khai thác thị trường của Việt Nam.
Từ khi có Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), doanh nghiệp Thái Lan khai thác rất tốt thị trường Việt Nam. Họ nhìn nhận cơ hội lớn nhất trong AEC là thị trường Việt, nơi hàng rào phi thuế quan không đủ mạnh và đội ngũ doanh nghiệp bản địa yếu về cạnh tranh. Với Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta đều nhập siêu hàng hóa của họ lớn và gia tăng theo mỗi năm. Ngay cả chiều xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước này, kết quả cũng đều là do doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc ở Việt Nam xuất khẩu ngược trở về là chính.
Tựu chung, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu Việt Nam tăng cả lượng và giá trị, nhưng có tỷ trọng rất lớn giá trị gia tăng là nằm trong tay nước ngoài. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam rất yếu và chưa khai thác được các thị trường khác và cũng chưa bảo vệ được thị trường nội địa. Vì vậy, càng mở cửa, hàng nước ngoài càng tràn vào nhiều hơn, các nhà sản xuất, làm dịch vụ và đặc biệt là nông dân sẽ đối diện với nhiều khó khăn ở địa bàn của mình trước khi nghĩ xuất được đi thế giới", bà Lan phân tích.
Nữ chuyên gia kinh tế cho rằng, RCEP là sân chơi rộng hơn, lớn hơn cho rất nhiều nước thành viên, nhưng nó vẫn sẽ rơi vào quy luật, ai mạnh hơn, giỏi hơn, biết tính toán hơn sẽ thắng. Thậm chí, nếu so sánh tương đối, người thắng ít cũng có thể sẽ là người thua cuộc. Bởi chỉ hơn so với mình ở thời gian trước mà thua xa so với các đối tác khác thì không phải là lợi ích tìm kiếm được.
"Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do và là nền kinh tế mở hàng đầu thế giới. Tuy nhiên xét về thực tế thì doanh nghiệp Việt, người dân Việt chưa kiếm tìm được nhiều mà chỉ dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề chính là Việt Nam rất hồ hởi tham gia các FTA, nhưng lại thiếu sự chuẩn bị nội lực cho mình.
Chúng ta nói rất nhiều đến tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chấm dứt tình trạng kéo dài của một "nền kinh tế gia công" nhưng qua bao năm vẫn chưa làm được... Thực tế thời gian qua, bản thân nhiều nước không có FTA nhưng nhờ Việt Nam có nhiều FTA nên họ vẫn hưởng lợi", bà Phạm Chi Lan trăn trở.
Thiện Tâm