Bảo vệ động vật hoang dã là để bảo vệ sức khỏe toàn cầu
Con người sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro dịch bệnh nếu tiếp tục đảo lộn môi trường sống của động vật hoang dã.
Động vật hoang dã là một kho chứa rộng lớn các mầm bệnh với hơn 700.000 loại virus chưa được biết đến từ chúng có khả năng lây sang người dưới dạng bệnh truyền nhiễm, thậm chí đây mới là con số ước tính từ các nhà khoa học tính đến thời điểm hiện tại. Bệnh truyền nhiễm lại vốn không có ranh giới quốc gia nên càng minh chứng mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường trong lành trên toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 là một bài học lớn về sự phá vỡ mối liên hệ ấy. Bài học đó chỉ ra rằng con người sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro dịch bệnh nếu tiếp tục đảo lộn môi trường sống của động vật hoang dã và tăng cường tiếp xúc với chúng thông qua các hoạt động sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, cả dưới hình thức hợp pháp và bất hợp pháp.
Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu rủi ro sức khỏe liên quan đến buôn bán động vật hoang dã, Bác sĩ thú y Hannah Emde thuộc Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) sẽ lý giải rõ hơn những rủi ro này cũng như cách chúng ta có thể ngăn ngừa đại dịch trong tương lai.
Các nhà khoa học từ lâu đã tranh luận về tác động của chăn nuôi tới sức khỏe con người. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, dịch bệnh từ động vật hoang dã đã trở thành tâm điểm chú ý. Vậy xin bà cho biết bảo vệ động vật hoang dã có thực sự là một cách hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe toàn cầu?
Bác sĩ Hannah Emde: Ồ, chắc chắn rồi. Bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống vô cùng quan trọng đối với sức khỏe toàn cầu. Tiếp xúc trực tiếp và khai thác các loài động vật trong tự nhiên, nhất là buôn bán động vật hoang dã gây ra những rủi ro đáng kể trong việc lan truyền các mầm bệnh. Động vật bị săn bắt trong tự nhiên thường được nuôi để bán hoặc sản xuất các mặt hàng xa xỉ, đồ trang sức, làm thuốc…
Các mầm bệnh vốn vô hại trong môi trường tự nhiên của động vật nhưng lại trở nên nguy hiểm khi tiếp xúc với vật nuôi và con người trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tạo thuận lợi cho việc lây nhiễm và lan truyền dịch bệnh. Hơn 700.000 loại virus chưa được biết đến tồn tại trong động vật hoang dã có khả năng lây sang người và có thể gây ra các bệnh truyền nhiễm như Ebola và HIV/AIDS. Rõ ràng các tiêu chuẩn vệ sinh và cách thức làm việc cần được cải thiện, đặc biệt cần giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Tranh luận cũng xoay quanh xung đột lợi ích của những người có sinh kế dựa vào buôn bán động vật hoang dã. Có thể và nên làm gì để bảo vệ động vật hoang dã trong tình huống này? Những sáng kiến nào đã được đề xuất để giải quyết thưa bà?
Bác sĩ Hannah Emde: Xung đột lợi ích luôn là trung tâm cuộc tranh luận liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Liên minh quốc tế chống lại các rủi ro sức khỏe trong buôn bán động vật hoang dã – do GIZ mới thành lập – đang vận động để giảm thiểu việc săn bắt và khai thác động vật hoang dã. Điều này không có nghĩa là tước mất sinh kế của người dân. Vấn đề cốt yếu là Liên minh phải tính đến các nhóm dân cư phụ thuộc vào việc buôn bán động vật hoang dã cả về nguồn thu và nguồn thực phẩm.
Giảm buôn bán động, thực vật hoang dã đòi hỏi các giải pháp công bằng và tập trung vào địa phương. Trong Liên minh, chúng tôi cũng đang tích cực trao đổi về chủ đề này. Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ các đối tác hiểu và tôn trọng nhân quyền cũng như tìm kiếm các nguồn sinh kế và protein thay thế. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi có sự tham gia của các cộng đồng địa phương, người dân bản địa cũng như các nhà khoa học, chính trị gia và đại diện chính phủ.
Các thành viên Liên minh đưa ra các biện pháp phù hợp với từng khu vực để quản lý động vật hoang dã và gửi khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách – xã hội. Chúng tôi cũng kêu gọi các biện pháp ngăn chặn đại dịch, chẳng hạn như thông qua các dự án nghiên cứu do các thành viên thực hiện về các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn trong buôn bán động vật hoang dã.
Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới (WHS) vừa diễn ra tại Berlin. Bà có thể cho biết những vấn đề chính nào đã và chưa được giải quyết?
Bác sĩ Hannah Emde: Cuộc tranh luận toàn cầu xung quanh chương trình “Một sức khỏe” ngày càng trở nên gay gắt trong những năm gần đây. Tin tốt là vấn đề này đã được giải quyết tại WHS. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận thường xoay quanh các vấn đề chính sách liên quan đến cấu trúc, quy trình và năng lực cần thiết để ứng phó nhanh, hiệu quả với các đại dịch trong tương lai, chẳng hạn như phát triển vắc-xin và các biện pháp vệ sinh. Theo quan điểm của chúng tôi, cần tập trung phòng, chống dịch bệnh từ động vật có nguy cơ gây bệnh, đồng nghĩa với việc cần nhiều hệ thống giám sát dịch bệnh hơn và hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã hơn.
Chúng ta có thể đạt được điều này bằng cách tham gia, hỗ trợ Chính phủ nghiên cứu xác định sớm các mầm bệnh mới trên toàn bộ chuỗi giá trị, đúng với mục tiêu liên minh đang hướng tới. Đây cũng là mục tiêu mà Liên minh hướng tới. Và tất nhiên, trọng tâm của chúng tôi là phải giảm nhu cầu toàn cầu đối với động vật hoang dã cùng các sản phẩm từ động vật hoang dã, cải thiện quy định về buôn bán động vật hoang dã hợp pháp, hành động mạnh mẽ hơn chống lại buôn bán bất hợp pháp và bảo vệ tốt hơn đa dạng sinh học, môi trường sống của động vật hoang dã.
Nguyễn Linh (T/h)