Thứ tư, 18/09/2024 20:45 (GMT+7)
Thứ hai, 15/03/2021 13:51 (GMT+7)

Bảo tồn quần thể voọc mông trắng quý hiếm tại tỉnh Hà Nam

Theo dõi KTMT trên

Sau khi phát hiện quần thể voọc mông trắng sinh sống tại khu vực rừng Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Bảo tồn quần thể voọc mông trắng quý hiếm tại tỉnh Hà Nam - Ảnh 1
Voọc mông trắng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Voọc mông trắng (hay còn gọi là voọc quần đùi trắng) là loài linh trưởng nằm trong danh sách 25 loài động vật nguy cấp nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Sau khi phát hiện quần thể voọc mông trắng sinh sống tại khu vực rừng Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Năm 2017, dựa trên những bằng chứng khoa học đã ghi nhận được, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với tỉnh Hà Nam thực hiện Dự án bảo tồn voọc mông trắng với nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là việc thành lập Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng.

Ngoài công việc bảo tồn rừng, tháo gỡ bẫy, các thành viên trong tổ theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt, tổ sẽ thông báo cho kiểm lâm xử lý.

Ông Lê Văn Hiên, Tổ trưởng Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng, cho biết rừng Kim Bảng là rừng núi đá vôi đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, các thành viên trong Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng vẫn luôn tự động viên nhau, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để giữ gìn, bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ được quần thể voọc mông trắng - loài linh trưởng chỉ còn tồn tại ở vùng rừng Kim Bảng và Vân Long, Ninh Bình. Nguyện vọng của các thành viên Tổ bảo tồn cộng đồng là mọi người sẽ cùng chung tay bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kim Bảng, Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo vệ rừng nói chung và loài voọc mông trắng nói riêng.

Năm 2020, Tổ đã Tuần tra tháo gỡ hàng trăm chiếc bẫy dây phanh, tháo gỡ hơn 40 bẫy kiềng đang đặt bẫy thú trong rừng, bàn giao cho Hạt Kiểm lâm. Tổ đã tiếp cận chụp ảnh, quay clip được nhiều lần, nhiều đàn voọc mông trắng, ngoài ra còn chụp ảnh và quay clip được các đàn Khỉ vàng, Khỉ xám, Rùa Núi, Trăn, Sóc đuôi đỏ, Sóc đen, Cu li, chim Hồng Hoàng và nhiều loài cây rừng, chim, thú khác.

Với những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, ông Lê Văn Hiên, Tổ trưởng Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng, đã được Quỹ Bảo tồn Disney (Mỹ) khen thưởng và phong tặng danh hiệu “Anh hùng bảo tồn” năm 2020.

Tổ chức FFI đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Kim Bảng tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân các xã trong và giáp ranh khu vực rừng Kim Bảng về việc bảo vệ rừng, bảo vệ voọc mông trắng như: tổ chức các đợt tuyên truyền, chiếu phim, phát tờ rơi, tranh ảnh chủ để về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ quần thể voọc mông trắng.

Trong năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Kim Bảng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) thành lập thêm một tổ giám sát vọoc mông trắng nhằm bảo vệ và giám sát các hoạt động của vọoc mông trắng tại khu vực rừng giáp danh giữa huyện Kim Bảng và huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tuy mới thành lập, tổ giám sát đã hoạt động rất hiệu quả.

Từ những hoạt động bảo tồn, quần thể voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng đã ngày càng phát triển. Năm 2016 tại đây ghi nhận 40 cá thể nay đã có hơn 100 cá thể, lớn thứ 2 trên thế giới, sau Khu Bảo tồn ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình.

Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng Dự án thành lập Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh vọoc mông trắng tại huyện Kim Bảng với diện tích dự kiến khoảng 3.500 ha, gồm 2 khu Vùng lõi hay phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (khu rừng trưởng thành/sinh cảnh sống của voọc) và phân khu phục hồi rừng (khu vực bị suy thoái do khai thác đá vôi có khả năng phục hồi).

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, cuối tháng 11/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam đã thành lập đoàn khảo sát đánh giá hiện trạng các khu mỏ khoáng sản và điều tra xác định vị trí của vọoc mông trắng xuất hiện trong khu vực giáp ranh dự kiến bảo tồn và các khu mỏ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam đang tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban Nhân dân huyện Kim Bảng và Tổ chức FFI rà soát quy hoạch, hoàn thiện đề án xây dựng Khu Bảo tồn bảo tồn loài và sinh cảnh vọoc mông trắng.

Nguyễn Chinh

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn quần thể voọc mông trắng quý hiếm tại tỉnh Hà Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Phục hồi rừng sau thiên tai
Phục hồi rừng sau bão số 3 là thiết yếu để ổn định đất đai và giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Đây là bước quan trọng giúp tái thiết môi trường và bảo vệ cộng đồng.

Tin mới